Khi nhắc đến một môn thể thao nào đó thì ngay lập tức người hâm mộ sẽ liên tưởng đến tên một vận động viên nổi trội, xuất sắc ở bộ môn đó. Họ là những nhà vô địch, họ là những tấm gương tốt lẫn xấu trong cuộc chơi cũng như cuộc sống. Nhờ có họ mà môn thể thao đó được nhiều người yêu thích hơn, hâm mộ hơn và thậm chí cố gắng tập luyện để mong một ngày nào đó giống như thế.
Nhắc đến bóng rổ người hâm mộ sẽ nhớ Michael Jordan, thần HIV Magic Johnson… Môn bóng đá là Pele, là cậu bé vàng Diego Maradona… Tượng đài đấm nhau là Muhammad Ali, là cổ bự Mike Tyson… Vậy bộ môn xe đạp sẽ nhớ tới ai? Theo những chuyên gia thế giới 10 vận động viên sau đây người hâm mộ bộ môn cần biết để có cái mà chém gió
- Eddy Merckx
- Jacques Anquetil
- Bernard Hinault
- Mario Cipollini
- Jan Ullrich
- Fausto Coppi
- Miguel Indurain
- Sean Kelly
- Felice Gimondi
- Lance Armstrong
1- Lão đại Eddy Merckx:
Đứng đầu chắc chắn không ai khác ngoài huyền thoại Eddy Merckx. Lão đại sinh ngày 17 tháng 06 năm 1945 quốc tịch Bỉ. Chơi xe đạp chuyên nghiệp từ năm 1965 đến tháng 5 năm 1978 thì về vườn. Hơn 10 năm thi đấu, riêng ở đấu trường Grand Tours Merckx có 11 lần lên bục cao nhất: năm áo vàng TdF, năm áo hồng Giro và một áo đỏ Vuelta, kỷ lục này sẽ mãi trường tồn theo thời gian?
Eddy Merckx còn ba lần vô địch thế giới ở những năm 1967, 1971, 1974 và “hằng hà sa số” chức vô địch ở các giải một ngày, linh tinh nhỏ lẻ khác. Merckx sinh ra là để lập kỷ lục cho bộ môn xe đạp. Có một kỷ lục của ông mà hậu bối đã “san bằng” là 34 lần thắng chặng tại những giải TdF, đó chính là chân rút Mark Cavendish. Merckx “đa di năng” hơn Cav, chiến thắng chặng tại TdF của ông đến từ cá nhân tính giờ, leo trèo lẫn rút chùm chứ không đi đường bằng về rút như Cá.
Ngoài lề: ông bầu của đội Quick-Step Alpha Vinyl Team là Patrick Lefevere người Bỉ “cưu mang” chàng Cá trong lúc chàng gặp khó khăn. Ai có ngờ đâu Cá tỏa sáng tại TdF 2021, dành luôn áo xanh chung cuộc và san bằng kỷ lục 34 lần thắng chặng tại TdF của lão đại Eddy Merckx. Và từ đó Cav háo hức muốn lập công ở năm TdF 2022 để qua đó vươn lên kỷ lục mới, chỉ cần một chỉ một mà thôi… nhưng “ai cho phép mày vượt qua lão đại của tụi kao” Lefevere lẩm bẩm. Thế là Cá ngồi nhà và giờ đang không biết đi về đâu?
2- Jacques Anquetil:
Ở bộ môn xe đạp, bạn có vô địch Giro 5 lần, vô địch Vuelta 4 lần (là số lần vô địch cao nhất ở hai giải hiện nay) nhưng chưa từng vô địch TdF thì kể như… vứt, cuộc chơi là thế đó. Jacques Anquetil là vận động viên đầu tiên 5 lần có áo vàng TdF. Lần đầu ông mặc áo vàng là năm 1957, những năm này vận động viên thi đấu giải TdF trong màu áo đội tuyển quốc gia, Anquetil là người Pháp dành chức vô địch chung cuộc hơn thời gian người đứng hạng nhì là Marcel Janssens (Bỉ) +14’56”. Sau đó ông còn vô địch 4 lần liên tục từ năm 1961 đến năm 1964. Ở năm 1961 Anquetil mặc áo vàng từ khi bắt đầu giải cho đến khi kết thúc, cách vô địch không đụng hàng chưa ai làm được từ trước cho đến nay
Jacques Anquetil còn chín lần dành chiến thắng ở giải đua Grand Prix des Nations ở các năm từ 1953 đến 1957 và 1961, 1965, 1966. Đây là giải chạy cá nhân tính giờ với cung đường thuộc loại siêu khủng và Anquetil là vận động viên “chiến” nhất ở thể loại đua với cái đồng hồ. Anquetil vô địch năm 1953 với cung đường dài 140.3km, thời gian hoàn thành 3:32:25 tốc độ trung bình 39.630 km/h. Năm 1966 Anquetil vô địch với cung đường dài 72km, ở năm này Eddy Merckx về hạng ba +3’07” và Raymond Poulidor, ông ngoại của vận động viên đang được yêu thích hiện nay Mathieu van der Poel về hạng năm +3’53” (Raymond Poulidor từng vô địch giải ở năm 1963 cự ly 100 km và mãi đến năm 1973 Eddy Merckx mới có chiến thắng ở giải với cự ly 80km. Gần nhất là tay đua chơi đốp huyền thoại Lance Armstrong dành chiến thắng năm 2000 ở cự ly 75km, thời gian hoàn thành 1:31:05 tốc độ trung bình 49.405 km/h. Giải Grand Prix des Nations nghỉ chơi kể từ năm 2004 và người cuối cùng dành chiến thắng là Michael Rich)
Jacques Anquetil quốc tịch Pháp sinh ngày 08 tháng 01 năm 1934, mất ngày 18 tháng 11 năm 1987 do bệnh ung thư dạ dày. Anquetil là người đầu tiên lập kỷ lục có nhiều lần lên bục cao nhất ở Grand Tours, tổng cộng 8 lần: TdF 5, Giro 2 và Vuelta 1. Kỷ lục sau này bị phá vỡ bởi đàn em người Pháp Bernard Hinault và tay đua mà ai cũng biết tên huyền thoại Eddy Merckx
Ngoài lề: Eddy Merckx có con trai là Axel Merckx sinh năm 1972, cũng nối nghiệp ông ba chơi xe đạp từ năm 1993 đến 2007 nhưng thành tích không có gì là ấn tượng, ông già át hết vía. Jacques Anquetil lập gia đình nhưng không có con (vợ bị hư thai hai lần), không có người tiếp tục chơi xe. Viết vụ này để phản đối mấy bài viết kiểu: “dân đạp xe sẽ không có con”, bả mía đẻ ào ào ra kìa mấy chú nhà báo láo
3- Bernard Hinault
Vô địch Tour de France chính là thước đo lớn nhất cho nghiệp đạp xe của cua-rơ, là thứ làm nên danh tiếng của một vận động xe đạp thế giới. Lance Armstrong nếu không dính đến đốp, không bị “thu hồi” chức vô địch thì sẽ là một tượng đài “nguy nga đồ sộ” khi 7 lần liên tiếp vô địch TdF, kinh vãi. Nhưng Armstrong sinh ra chỉ để làm nên tên tuổi ở TdF là chính còn Giro và Vuelta chỉ tham gia cho vui? Cho đến thời điểm hiện nay chỉ có bảy vận động viên dành được cả ba chiến thắng chung cuộc ở Grand Tours, Hinault là một trong số đó. Bernard Hinault cũng như đồng hương người Pháp Jacques Anquetil (Hinault sinh ngày 14 tháng 9 năm 1954 có thể xem Anquetil là bậc cha chú) hay đàn anh người Bỉ Eddy Merckx đều có 5 lần vô địch TdF và đều có chức vô địch ở Giro cũng như Vuelta.
Kỷ lục Grand Tours của ba vận động viên xếp đầu tốp 10 những ngôi sao xe đạp nên biết
- Eddy Merckx: Tham dự TdF 7, Giro 8, Vuelta 1 (Tổng tham dự 16). Vô địch 5 Tdf, 5 Giro, 1 Vuelta (Tổng vô địch Grand Tours 11)
- Bernard Hinault: Tham dự TdF 7, Giro 3, Vuelta 2 (Tổng tham dự 13). Vô địch 5 Tdf, 3 Giro, 2 Vuelta (Tổng vô địch Grand Tours 10)
- Jacques Anquetil: Tham dự TdF 8, Giro 6, Vuelta 2 (Tổng tham dự 16). Vô địch 5 Tdf, 2 Giro, 1 Vuelta (Tổng vô địch Grand Tours 8)
So với hai tiền bối số lần bước lên bục cao nhất ở TdF thì Hinault có phần nhỉnh hơn. Cả ba đều có 5 lần vô địch nhưng Hinault có thêm hai lần hạng nhì chung cuộc (năm 1984 và 1986), bảy lần tham dự TdF là 7 lần lên bục. Trong khi đó Merckx chỉ có một lần hạng nhì năm 1975 và Anquetil một lần hạng ba năm 1959. Giải TdF là của người Pháp và Hinault chính là người Pháp cuối cùng vô địch TdF năm 1985. Từ đó đến nay người Pháp tổ chức giải vì vui là chính, chưa vận động Pháp nào lên ngôi cao nhất nên Hinault là cái tên được nhắc nhiều nhất đối với người Pháp. Hận làm sao
Bernard Hinault có chức vô địch thế giới vào năm 1980. Cũng ở năm này ông có một kỳ tích mà giới hâm mộ xe đạp sẽ không bao giờ quên khi dành chiến thắng ở giải đua classic kinh điển Liège – Bastogne – Liège. Về nhất chặng đua, hơn người về nhì 9’34”, kịp tắm và xịt dầu thơm trước khi lên nhận giải nhỉ? (Ở giải Liège – Bastogne – Liège, Hinault có hai lần vô địch là năm 1977 và 1980)
Tiền bối Jacques Anquetil có 9 lần vô địch đua cá nhân tính giờ Grand Prix des Nations thì Hinault cũng 5 lần ghi tên mình tại giải đấu đua với đồng hồ này. Hinault vô địch các năm 1977, 1978, 1979, 1982 với đường đua dài 90km và năm 1984 đường đua dài 89km.
Người Pháp có hai huyền thoại xe đạp Jacques Anquetil và Bernard Hinault, có giải TdF đầy danh giá nhưng người Pháp bây giờ chỉ biết mơ về giấc mơ xưa. Những vận động viên như Julian Alaphilippe, Arnaud Démare, Thibaut Pinot, Romain Bardet… hay đấy, vô địch thế giới đấy nhưng cũng chỉ tìm kiếm chiến thắng chặng ở Grand Tours là chính hay cao hơn cũng được lên bục chung cuộc nhưng áo vàng thì vẫn mãi xa
Ngoài lề: Có một vận động viên người Pháp khác cũng thuộc hàng siêu sao, ông dành cả đời chỉ để đua TdF. Tham gia xe đạp từ năm 1960 giải nghệ năm 1977. Mười bảy năm đua xe thì có 14 năm miệt mài tìm kiếm áo vàng Tour de France nhưng cần cù vẫn không bù được… số trời đã định, nhận luôn biệt danh vua về nhì, vua lên bục nhưng không ở hạng cao nhất. Đó là Raymond Poulidor (ông ngoại Mathieu van der Poel), ông sinh ngày 15 tháng 4 năm 1936 mất ngày 13 tháng 11 năm 2019. Poulidor tham dự TdF lần đầu vào năm 1962 dành hạng 3 chung cuộc và kết quả những năm sau 1963 hạng 8, 1964 hạng 2, 1965 hạng 2, 1966 hạng 3, 1967 hạng 9, 1968 DNF, 1969 hạng 3, 1970 hạng 7, 1972 hạng 3, 1973 DNF, 1974 hạng 2, 1975 hạng 19, 1976 hạng 3. Poulidor cũng có 4 lần tham dự Vuelta, “thời may” có một lần lên bục cao nhất vào năm 1964, vua hạng nhì chưa từng tham gia đua Giro