0 25 min 4 năm

Cưỡi lạc đà dưới kim tự tháp có thể mang đến cho chúng ta có cảm giác như đi ngược thời gian. Những bôn ba của đời người, những trận chinh chiến đã qua, và những hối hả của quá khứ, tất cả đều biến mất trong sa mạc vô tận cùng với tiếng chuông lạc đà mang âm hưởng của sa mạc. Bạn cũng có thể thuê trước một cái xe Quad bốn bánh là một loại xe địa hình phân khối lớn rồi một mình lái băng băng xung quanh khu kim tự tháp và sa mạc.

Ở đây có một điều khiếm khuyết là những tay dẫn dắt lạc đà, thậm chí xe ngựa hay một đám đông kiếm sống ở đây đa số là những tay chặt chém vô tội vạ. Ban đầu đưa ra một giá rất cao, nói giá xong thì chỉ còn 1/10. Hoặc có nhiều tay nói rằng kéo bạn đi đến một góc độ rất đẹp để chụp ảnh rồi chìa tay xin tiền. Ở Cairo nhất là khu thành cổ, đâu đâu cũng vậy, sảnh chân là bị xin tiền đểu. Nếu đi ăn nhà hàng khi trả tiền nên xem kỹ giá trên thực đơn và trả đúng tổng số tiền thanh toán. Nếu vứt ra một tờ mệnh giá lớn để họ trả lại, đa số sẽ thiếu. Tất nhiên, tiền bo nơi đây là nên có, nhưng bo đàng hoàng thì không sao, cứ ăn chặn là không được với lão. Lão từng quát lớn:”Đất nước mấy ngàn năm văn minh bị con cháu làm mất mặt!” Ngay cả khi mua vé vào các khu bảo tàng cũng vậy, trả lại thiếu tiền là chuyện thường tình. Tuy vậy, sự nhiệt tình thẳng thắn của người dân nơi đây khiến bạn hoàn toàn có thể thông cảm và bỏ qua những “khiếm khuyết” ấy.

Khi ánh chiều tà rực rỡ của mặt trời hắt lên Kim tự tháp Kafra, lão và mọi người ngồi trong nhà hàng đối diện tượng Nhân sư để dùng bữa tối. Ba kim tự tháp trên sa mạc giống như ba ngọn núi lớn, sừng sững trước mặt một cách trật tự. Nhìn kim tự tháp trước mặt mà bồi hồi xúc động. Thời gian như tên bay lướt qua, lịch sử như mây khói, bốn năm ngàn năm thăng trầm, chỉ như một cái búng tay. Ngồi ngẩn ngơ trước kim tự tháp, bạn không chỉ có thể tĩnh tâm thưởng thức vẻ đẹp vĩnh hằng mà còn thấu hiểu được sự vội vã, ngắn ngủi của sinh mệnh.

Nền văn minh cổ đại rực rỡ của Ai Cập chói lọi, và lịch sử lâu đời của nó khiến các thế hệ sau phải kinh ngạc mà không đuổi bắt kịp. Trong khi các dân tộc khác trên thế giới vẫn còn trong giai đoạn hái lượm và săn bắn thành các bộ lạc, thì Ai Cập cổ đại đã là quốc gia tập trung quyền lực với các thành phố thịnh vượng. Nếu lịch sử cổ đại của Trung Quốc phần lớn nằm rải rác trong các truyền thuyết hư cấu, thì lịch sử của Ai Cập trong cùng thời kỳ được ghi lại chân thực trên những phiến đá cứng. Để tìm hiểu về lịch sử của Ai Cập cổ đại, Bảo tàng Quốc gia Ai Cập ở Cairo là một địa điểm tốt, không thể bỏ qua.

Bảo tàng Ai Cập ở Quảng trường Tahrir ngay trung tâm Cairo này có thể nói là một trong những viện bảo tàng kinh điển nhất mà lão từng đến thăm, bởi những bộ sưu tầm của nó là duy nhất trên thế giới.

Khi nhắc đến lịch sử của Bảo tàng Ai Cập, người ta phải nhắc đến nhà khảo cổ học nổi tiếng người Pháp Auguste Mariette. Sau khi Ai Cập bị người Ả Rập chiếm đóng, nền văn minh Ai Cập cổ đại về cơ bản rơi vào tình trạng diệt vong, sau khi người phương Tây đến Ai Cập, các di tích văn hóa đã bị mất đi nghiêm trọng. Vì vậy, Mariette đưa ra đề xuất thành lập Bảo tàng Ai Cập vào năm 1858, điều này đã ngăn chặn sự mất mát của các di tích văn hóa ở một mức độ nhất định, và do đó ông được gọi là “cha đẻ của Bảo tàng Ai Cập.”

Bức tượng tưởng niệm Mariette đứng bên khu vườn bên ngoài bảo tàng. Dưới bầu trời xanh và mây trắng, Mariette đứng ở vị trí của mình và nhìn dòng khách du lịch đổ về bảo tàng này mỗi ngày. Vậy có nên bình phẩm lại tác dụng của chủ nghĩa thực dân trong lịch sử không nhỉ?

Bảo tàng này có một bộ sưu tầm hơn 250.000 hiện vật lịch sử từ thời đại của các pharaoh Ai Cập cổ đại cách đây 5.000 năm đến thế kỷ thứ sáu sau Công nguyên, và hầu hết các hiện vật đều có tuổi đời hơn 3.000 năm. Ngay khi bước vào bảo tàng, lão đến thẳng bản sao của Viên đá Rosetta, là đồ giả duy nhất trong bảo tàng. Một vài năm trước, lão đã nhìn thấy bản gốc trong Bảo tàng Anh và biết giá trị lịch sử của nó. Ai Cập đã nhiều lần yêu cầu Bảo tàng Anh trả lại viên đá Rosetta, để đưa nó về nguồn gốc tiên tổ của nó.

Viên đá có khắc một sắc lệnh ban hành vào năm 196 TCN. bởi một nhóm giáo sĩ Ai Cập và người cai trị Ai Cập, Ptolemy V, chứng thực cho sự hào phóng và sùng đạo của ông. Ban đầu nó được trưng bày trong một ngôi đền, có thể gần thị trấn cổ Sais, sau đó nhiều thế kỷ được chuyển đến Rosetta và được sử dụng trong việc xây dựng Pháo đài Julien, nơi cuối cùng mà nó bị người Pháp phát hiện.

Viên đá Rosetta đã đóng góp một thời kỳ vào sự hình thành và phát triển của nền Ai Cập học hiện đại. Sau thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, nền văn minh của sông Nile suy tàn, và chữ viết Ai Cập dần biến mất. Mặc dù nhiều nhà khảo cổ học và sử học đã làm việc chăm chỉ nhưng họ vẫn chưa thể giải mã được. Năm 1799, trong cuộc xâm lược Ai Cập của Napoléon, một đội trưởng của quân đội Pháp đã vô tình đào được một tấm bia đá đen ở một nơi có tên là Rosetta thuộc châu thổ sông Nile. Ba phiên bản ngôn ngữ của cùng một sắc lệnh được khắc từ trên xuống dưới trên tấm bia: Đó là chữ tượng hình (Hieroglyphic), còn được gọi là chữ viết thiêng liêng; ở giữa là chữ Demotic (Demotic), cũng được gọi là chữ thế tục Ai Cập, và chữ viết sau là tiếng Hy Lạp cổ đại, đại diện cho ngôn ngữ của người cai trị này vì Ai Cập đã đầu hàng dưới thời Đế chế Alexandria ở Hy Lạp, các nhà cai trị từ Hy Lạp yêu cầu tất cả các tài liệu như vậy trong lãnh thổ cai trị phải được bổ sung bản dịch tiếng Hy Lạp. Chính nhờ việc khai quật tấm bia đá này mà chữ tượng hình Ai Cập cuối cùng đã được Jean-François Champollion, cha đẻ của Ai Cập học, giải mã vào những năm 1820, cho phép người hiện đại hiểu chính xác lịch sử của các triều đại Ai Cập cổ đại thông qua những chữ tượng hình này. Chính vì vậy, Hòn đá Rosetta chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong lịch sử khảo cổ của Ai Cập. Mặc dù bản gốc của bia đá là ở Anh, nhưng người Ai Cập vẫn đặt bản sao của bia đá cùng với tượng Jean-François Champollion ở vị trí nổi bật bên tay phải lối vào cổng.

Có rất nhiều di sản văn vật trong bảo tàng, giống như một nhà kho lớn, và các hiện vật nhiều không kém Bảo tàng của thánh địa Vatican. Nhiều di vật trong bảo tàng, chẳng hạn như những bức tượng đá khổng lồ của các pharaoh, bảo vật hoàng gia làm bằng vàng nguyên chất, mặt nạ và quan tài bằng vàng ròng của Tutankhamun nặng 242 pound, đều được chế tác tinh xảo đến ngoạn mục. Bạn khó có thể tin rằng làm thế nào loài người cách đây bốn, năm nghìn năm lại có thể tạo ra một thứ đẹp đẽ như vậy?

Hôm trước lão có mua một số bức tranh trên giấy cói khi đang ăn tối bên kim tự tháp, vì vậy, lão đã chú ý đến bức tranh cổ trên giấy cói khi đi tham quan bảo tàng. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều bức tranh cói có lịch sử lâu đời, trải qua hàng nghìn năm, màu sắc trên tranh vẫn tươi sáng, sinh động. Giấy cói là một vật liệu dày giống giấy được sản xuất từ ruột cây papyrus, một loại cây cói mọc trên các vùng đất ẩm ở Châu thổ sông Nin. Các bạn họa sĩ của lão khi đến đây nên để ý đến những tác phẩm này rồi về bắt chước nhé.

Trong Bảo tàng Ai Cập có khu xác ướp (Mummy), bạn cần mua vé riêng để vào bên trong, nhưng không được chụp ảnh. Một số pharaoh chưa từng nhìn thấy khi còn sống đã tập trung tại đây, trong số đó có Ramses II nổi tiếng. Ông là pharaon thứ ba của Vương triều thứ 19 trong lịch sử Ai Cập. Ông được ghi nhận là một trong những pharaon vĩ đại, quyền lực và được ca tụng nhiều nhất trong lịch sử. Nhìn những xác ướp này, lão không khỏi liên tưởng đến “Hảo liễu ca” trong “Hồng lâu mộng” và kinh ngạc với tâm huyết xây lăng của các pharaoh này:

Người đời đều cho thần tiên hay,
Mà chuyện công danh lại vẫn say!
Xưa nay tướng soái nơi nào đây,
Một dãy mồ hoang cỏ mọc đầy!

Nếu bạn đi du lịch đến Bảo tàng Quốc gia Cairo, bạn không thể hoàn thành nó ngay trong một ngày, kể cả xem lướt qua như cưỡi ngựa xem hoa. Lão chỉ xem vội vàng trong ba tiếng đồng hồ, nói không ngoa như chuồn chuồn điểm nước. Người Ai Cập cổ đại đã từng tạo ra một nền văn minh Ai Cập cổ đại huy hoàng, nhưng sau đó nó đã bị chinh phục bởi người Ba Tư, Hy Lạp, La Mã và Hồi giáo. Năm 640 sau Công nguyên, Ai Cập bị người Ả Rập chiếm đóng, đến thế kỷ 12 sau Công nguyên, nền văn minh Ai Cập cổ đại kéo dài hàng nghìn năm cuối cùng cũng bị thay thế bởi nền văn minh Ả Rập. Do đó, Ai Cập hiện đại là một quốc gia Ả Rập.

Nếu bạn có thời gian, chắc chắn sẽ có gặt hái nếu đi sâu trải nghiệm những điều lý thú về cổ vật ở Cairo. Sau khi tham quan Thành cổ Saladin. Một nơi rất thú vị ở Cairo là Khu Coptic. Nằm ở khu phố Cổ Cairo. Khu Coptic có nhiều nhà thờ và di tích lịch sử. Người Copts được cho là hậu duệ của những người Ai Cập cổ đại tin vào Cơ đốc giáo, họ là những thổ dân của Ai Cập và bắt đầu chấp nhận đức tin Cơ đốc vào thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên. Theo truyền thuyết, họ là một nhánh của nhà thờ do sứ đồ Mark thành lập vào năm 42 sau Công Nguyên. Trong những thế kỷ trước và sau khi người Hồi giáo xâm chiếm Ai Cập vào thế kỷ thứ bảy sau Công nguyên, Cơ đốc giáo vẫn là tín ngưỡng tôn giáo chính ở Ai Cập, mãi đến thế kỷ thứ mười hai, sự chuyển đổi chủ thể mới xảy ra. Mặc dù người Copt đã từng bị giảm xuống thành công dân hạng hai sau sự thống trị của Hồi giáo, và ngôn ngữ Coptic dần được thay thế bằng tiếng Ả Rập, cho đến nay, người Copt vẫn chiếm khoảng 10 đến 15% dân số Ai Cập.C

Coptic Cairo là một phần của Cairo Cổ, bao gồm Pháo đài Babylon, Bảo tàng Coptic, Nhà thờ Treo, Nhà thờ Thánh George của Hy Lạp và nhiều nhà thờ Coptic khác và các di tích lịch sử. Coptic Cairo là thành trì của Cơ đốc giáo ở Ai Cập cả trước và trong thời kỳ Hồi giáo, vì hầu hết các nhà thờ ở đây đều được xây dựng sau cuộc chinh phục của người Hồi giáo đối với Ai Cập vào thế kỷ thứ 7.

Điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất ở khu Coptic là Nhà thờ Đức mẹ Đồng trinh. Nhà thờ này được xây dựng trên tàn tích của cổng phía nam của bức tường pháo đài Babylon, sảnh chính dường như treo lơ lửng trên không, do đó có tên là Nhà thờ treo Đức mẹ Đồng trinh. Ngay lối vào của nhà thờ có lịch sử hơn 1.500 năm này có treo ảnh các vị giáo hoàng Ai Cập kế vị và các vị tổng thống Ai Cập, không biết đây có phải là cách mà những người theo đạo Thiên chúa Ai Cập phải làm khi tồn tại trong một đất nước bị Hồi giáo thống trị hay không.

Không xa Vương cung thánh đường Đức Mẹ có một nhà nguyện kín đáo, nơi Chúa Giê-su đã dừng chân khi ẩn náu ở Ai Cập, ngày nay, nơi đây cũng trở thành nơi hành hương của những người theo đạo Thiên Chúa từ khắp nơi trên thế giới.

Ai Cập dù sao cũng là một quốc gia Hồi giáo. Khi đến Cairo, tất nhiên bạn phải đi tham quan khu phố cổ Cairo. Khu phố cổ Cairo, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1979, nằm ở phía đông của thành phố Cairo ngày nay. Bức tường Cairo cũ được xây dựng cách đây hơn một nghìn năm vẫn còn tồn tại và bốn cổng đông, tây, bắc và nam vẫn phát huy tác dụng. Điều khác biệt là thành phố Cairo với 35.000 dân trước đây thì nay đã phát triển thành một thành phố lớn với dân số 20 triệu dân, trong khi khu phố Cairo cổ kính đã trở thành một chợ hàng hóa nổi tiếng. Lang thang trên con đường quanh co lát đá xanh, đi ngang qua các cửa hàng bản địa khác nhau, cảm nhận cuộc sống thực của người Hồi giáo địa phương, là một kiểu tận hưởng tuyệt đẹp.

(còn tiếp…)

Tác giả: Peter Pho