0 26 min 4 năm

Viện bảo tàng Anh (British Museum) là một viện bảo tàng văn hóa và lịch sử loài người ở Luân Đôn. Với trên 7 triệu hiện vật và là một trong những viện bảo tàng lớn nhất thế giới, nơi đây minh họa đầy đủ lịch sử văn hóa loài người từ nguyên thủy đến hiện tại. Muốn xem hết theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa thì cũng cần chui vào đây 3 ngày. Lão cho rằng hoành tráng nhất vẫn là khu di tích văn vật Ai Cập, chúng có tuổi đời từ 3-5 nghìn năm và đều rất tinh xảo. Thăm khu này xong thì lập tức, một ngọn lửa hữu hình được đốt cháy trong tim lão, một ước vọng lập tức được nhen nhóm, hy vọng được đặt chân đến ngay cổ quốc văn minh này, được tận mắt nhìn thấy di sản văn hoá cổ đại nơi ngọn nguồn, được hít vào lồng ngực hơi thở của các triều đại Pha-ra-ông còn vương vấn đâu đây…

Trong “Nghìn lẻ một đêm” có câu: “Ai chưa từng nhìn thấy Cairo thì giống như chưa từng nhìn thấy thế giới.” Cuối cùng thì lão cũng khăn gói lên đường và khi nghĩ đến được đặt chân lên đất nước có nền văn minh cổ đại này, mà niềm vui sướng trong lòng quả thật không thể nói thành lời.

Bước xuống máy bay đến khu vực xuất cảnh, quả là đất nước của thế giới thứ 3, cảnh tượng hỗn loạn vô cùng. Khách đến từ các chuyến bay trong nước và quốc tế đều dồn lại một nơi. Các nhân viên cảnh sát kê những chiếc bàn như bàn học sinh ngồi duyệt hộ chiếu giấy tờ. Lão nghĩ, chắc ở đây thêm bàn để xử lý khẩn cấp chứ sao lại tồi tệ đến thế. Lão xếp sau một hàng dài mấy trăm mét và tốc độ tiến lên thì chậm như rùa, trong khi ấy lão thấy rất nhiều dân bản địa xen ngang một cách ngang ngược. Lão ngó quanh để tìm giải pháp. Nhìn thấy một cậu cảnh sát sân bay ngồi ngấu nghiến cái bánh kẹp, lão quả quyết bỏ hàng đi đến ngồi bên cậu ta chào hỏi :”Người anh em khỏe chứ?”. Cậu ta nhìn lão gật đầu, rồi nhìn quyển hộ chiếu Mỹ, nuốt vội miệng bánh cậu ta hỏi:”Tôi giúp được gì ông?”. Lão kẹp một tờ 20 Đô vào cuốn hộ chiếu :”Anh giúp tôi đi đóng dấu thông quan, đây là của anh”. Phải nói thật, ở các nước thứ ba chỉ cần có tiền là giải quyết được vấn đề. Vấn đề nào không giải quyết được bằng tiền thì đều có thể giải quyết được bằng rất – nhiều – tiền. Cậu ta vội vàng vứt chỗ bánh thừa xuống ghế rồi cầm cuốn hộ chiếu đi thẳng đến chỗ bàn làm việc. Đến nơi, cậu ta ngăn lại một người vừa đến lượt rồi giơ hộ chiếu của lão cho tay nhân viên kiểm soát nhập cảnh. Hai tên xì xồ nói gì với nhau rồi cười sảng khoái. Chỉ chớp mắt, hắn quay lại đưa lão hộ chiếu, đẩy lão đi ra cửa, rồi lại tiếp tục ngồi gặm nốt miếng bánh ăn dở.

Bước ra khỏi sân bay Cairo, trời đã nhá nhem tối, lại phải ngả giá với taxi rồi chui vào xe yên vị. Sau khi rời khỏi phi trường, màu sắc của Cairo dần mờ đi. Đường phố đông đúc xe cộ qua lại, và khung cảnh khá giống với một số thành phố lớn ở Ấn Độ, ngoại trừ tông màu tổng thể là hơi vàng. Con đường phía trước, những tòa nhà bên đường, đều một màu vàng úa. Mặc dù dòng người hối hả và nhộn nhịp, những tán cây nhiệt đới rải rác, dòng xe cộ qua lại vô tận và những biển hiệu thương mại hỗn loạn cũng mang lại màu sắc sặc sỡ cho thành phố, nhưng màu vàng chiếm trọn ấn tượng của lão. Tất nhiên, Cairo trong sự tưởng tượng từ lâu của lão phải là màu này, các kim tự tháp cao chót vót, sa mạc Sahara dưới ngòi bút của nhiều tác giả và mặt trời thiêu đốt treo trên bầu trời Cairo. Và giờ đây, Cairo trong ý tưởng chồng chéo lên Cairo hiện thực, càng làm sâu sắc thêm ấn tượng của của lão đối với Cairo. Một màu vàng như những trang sử bị đổi màu, một màu vàng gợi nhớ đến hoàng hôn của một thời hoành tráng.

Đoạn đường từ sân bay về khách sạn chỉ gần 20 km, nhưng rất nhiều chỗ tắc đường, sau khi vào khu vực trung tâm thành phố Cairo, lão thấy giao thông ở Cairo cũng khá hỗn loạn, không có nhiều đèn giao thông, cũng không nhìn thấy cảnh sát giao thông. Trên phố có đủ loại ô tô nhưng chủ yếu là ô tô tư nhân của các thương hiệu Toyota và Huyndai. Trên con đường ba làn xe, lúc nào cũng có bốn năm chiếc xe đi ngang hàng, khoảng cách gần tưởng chừng như sắp sửa dính liền vào nhau. Dù bị tắc đường nhưng xe vẫn chậm chạp di chuyển về phía trước, mất gần một tiếng đồng hồ cuối cùng mới đến được khách sạn bên bờ sông Nile.

Khách sạn Maritim Jolie Ville Kings Island nằm trên một hòn đảo tư nhân, được bao quanh bởi 165 mẫu vườn cảnh, nhìn ra sông Nile, có trời xanh mây trắng, có chim hót, có hoa thơm. Khách sạn có 3 bể bơi ngoài trời và nhiều tiện nghi giải trí khác nhau, mỗi phòng có view nhìn ra khung cảnh cây cối xanh tươi và tầm nhìn tuyệt đẹp ra sông Nile và kênh đào. Tiếc là lão đến đây không phải để tận hưởng những thiết bị 5 sao này bên bờ sông Nile, mà phải đi ra ngoài, khám phá một Ai Cập đầy khói bụi ngoài kia để nhìn thấu lịch sử của nó.

Cairo, giống như New Delhi, cho lão ấn tượng của sự tồn tại giữa truyền thống và hiện đại. Khu vực mới gần sân bay và khu trung tâm thương mại rất hiện đại, còn khu thành cũ thì có vẻ hỗn loạn nhem nhuốc. Đã từng là một thành phố hạng nhất trong thế giới Ả Rập, sự thịnh vượng trong quá khứ của nó có thể nhìn thấy trong mờ nhạt. Hàng loạt cửa hàng, nhà thờ Hồi giáo rải rác và khách du lịch nước ngoài tấp nập, cho thấy di sản văn hóa của thành phố cổ kính này tồn tại lâu đời và không hề phai nhạt.

Bạn muốn xem gì nhất khi đến Ai Cập? Tất nhiên là kim tự tháp. Ngày hôm sau lão dành một ngày để theo chân một đoàn du lịch tham quan các kim tự tháp. Để mọi người hiểu rõ hơn về lịch sử phát triển của kim tự tháp, hướng dẫn viên đã đưa đoàn tham quan đến Memphis trước, vì ở đây có thể nhìn thấy những kim tự tháp được xây dựng sớm nhất vào những năm 3200 trước Công nguyên. (Memphis và Khu lăng mộ – Quần thể Kim tự tháp từ Giza tới Dahshu.) Phế tích của Memphis cách Cairo 30 km về phía nam, bên bờ tây của sông Nile.

Kim tự tháp Ai Cập là lăng mộ của các hoàng đế ở Ai Cập cổ đại và được mệnh danh là một trong bảy kỳ quan thế giới. Hơn 90 kim tự tháp đã được phát hiện ở Ai Cập, chủ yếu phân bố ở thành thành cổ Memphis, lớn nhất và tiêu biểu nhất là ba kim tự tháp ở Giza, ngoại ô Cairo.

Tên Ả Rập thường bao gồm ba hoặc bốn phần. Phần đầu tiên là tên của mình, phần thứ hai là tên của cha, phần thứ ba là tên của ông nội, và phần thứ tư là họ. Karim Abu Bakr Uthman là tên của hướng dẫn viên người gốc Cairo với bằng cử nhân chuyên khoa du lịch và hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành. Để nhớ được tên anh ta, lão PP bắt buộc phải hình tượng hoá nó trong óc đề cập với “Cá rim” tương mà mẹ hay nấu cho lão hồi thơ ấu. Và cứ gọi cậu ta là “Cá rim”, rất dễ nhớ.

Cậu ta đã sắp xếp hành trình để đoàn đi tham quan các kim tự tháp một cách hợp lý, điều này rất hữu ích để mọi người hiểu được lịch sử của kim tự tháp. Sau khi đến Memphis, lần đầu tiên cậu ta đưa chúng tôi đến một viện bảo tàng nhỏ – Bảo tàng Imhotep. Imhotep là một học giả Ai Cập, người đã phục vụ cho vị vua vương triều thứ ba, Djoser, với chức vụ tể tướng của pharaoh và thầy tế cấp cao của vị thần mặt trời tại Heliopolis. Ông được coi là kỹ sư, kiến trúc sư và bác sĩ đầu tiên trong lịch sử được biết theo tên.

Bảo tàng này nằm trên vùng đất được tưới tiêu dọc theo sông Nile và rìa sa mạc, một bên là cây cối tươi tốt, bên còn lại là cát vàng hoang dại. Imhotep là thừa tướng quyền lực bên cạnh Pharaoh Djoser của triều đại thứ 3. Ông không chỉ cần mẫn phò tá pharaoh mà còn thông thạo y học, thiên văn và kiến ​​trúc, được coi là một vị thánh của Ai Cập cổ đại, rất giống Leonardo da Vinci ở Châu Âu. Việc xây dựng một viện bảo tàng cho ông là điều đương nhiên. Mặc dù bảo tàng này nhỏ nhưng không được phép chụp ảnh. Sau khi tham quan bảo tàng này, bạn có thể tìm hiểu thêm về văn minh Ai Cập cổ và kiến ​​thức về các kim tự tháp thời bấy giờ.

Trước Imhotep, các ngôi mộ ở Ai Cập cổ đại thường là những ngôi mộ hình chữ nhật khổng lồ làm bằng gạch nung, được gọi là “Mastaba”. Khi Imhotep nắm quyền, ông đã tiến hành những cải cách lớn đối với lăng mộ của pharaoh. Ông đã thiết kế các lăng mộ chồng lên nhau, sử dụng đá để xây từng lớp một, thu nhỏ từng lớp một cho đến khi lên đến đỉnh là sáu tầng. Đây là kim tự tháp hình thang mà chúng ta đã thấy. Pharaoh Djoser được chôn cất dưới kim tự tháp này sau khi qua đời. Kim tự tháp bậc thang này là công trình đầu tiên được nhân loại xây dựng hoàn toàn bằng đá và có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử kiến ​​trúc thế giới. Vì vậy, không thể đánh giá thấp ý nghĩa lịch sử của nó.

Trước khi đến Ai Cập, lão nghĩ rằng kim tự tháp là lăng mộ được dựng lên sừng sững trên sa mạc, sau khi xem địa điểm này, lão nhận ra rằng kim tự tháp thực sự là một phần của quần thể lăng mộ, và có các kiến trúc phụ xung quanh kim tự tháp. Bên cạnh kim tự tháp hình thang, đền Saqqara sừng sững, và tàn phế của những bức tường xung quanh vẫn cho thấy vẻ đẹp huy hoàng trước đây của nó. Khi đoàn đến địa điểm kim tự tháp hình thang, kim tự tháp đang trong thời kỳ tu sửa, trên giàn giáo dày đặc, công nhân đang làm việc hăng say, quy mô bề mặt công trình tuy không nhỏ nhưng cũng không ảnh hưởng đến hình tượng cao lớn của kim tự tháp này.

Sau khi rời kim tự tháp hình thang, đoàn được “Cá Rim” đưa đến một trường dạy dệt thảm, thực chất là một cửa hàng bán thảm dành cho khách du lịch. Mọi người được xem màn trình diễn của những người thợ dệt thảm. Sau khi xem qua những tấm thảm được trưng bày trong cửa hàng, bắt đầu lên đường tham quan quần thể kim tự tháp Giza.

Cuối cùng cũng đến được Đại Kim Tự Tháp đã chờ đợi bấy lâu, lão vô cùng kinh ngạc! Sau khi đứng trước kim tự tháp trầm tư một hồi lâu, lão vẫn cảm thấy sốc! Tín ngưỡng ngoan đạo của người Ai Cập cổ đại đối với các vị thần là do họ hình thành quan niệm sâu sắc về thế giới bên kia từ rất sớm. Họ cho rằng cuộc sống này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và thế giới bên kia mới là là vĩnh hằng. Bị ảnh hưởng bởi quan niệm này, những người giàu có và hoàng đế của Ai Cập cổ đại đã hết lòng chuẩn bị cho thế giới bên kia khi họ còn sống. Họ dường như không quan tâm đến những câu hỏi siêu hình như “con người đến từ đâu”, bởi vì cho đến nay vẫn chưa tìm thấy tác phẩm triết học đáng kể nào mà họ đã để lại cho hậu thế về mặt này. Nhưng rõ ràng họ quan tâm đến việc “con người sau khi chết sẽ về đâu? ” Họ quan tâm đến cuộc sống của họ ở thế giới bên kia. Chính vì lẽ đó, việc xây dựng lăng mộ đã trở thành công việc quan trọng trong cuộc đời của họ. Họ đã dành nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ để xây dựng những ngôi mộ cho riêng mình. Để xây dựng lăng mộ của mình hoành tráng hơn, họ đã không ngần ngại chi mạnh tay. Kim tự tháp là lăng mộ của pharaoh. Bởi vì họ tin rằng kim tự tháp là con đường tốt nhất để lên thiên đường, các pharaoh quyền lực đã sử dụng sức mạnh của cả đất nước để xây dựng các kim tự tháp cho riêng mình. Chính vì vậy, các Pharaoh của Ai Cập đã để lại cho đời những kim tự tháp mà đến nay vẫn còn gây ra sự tò mò khó hiểu cho thế giới.

Kim tự tháp Khufu là kim tự tháp lớn nhất trong ba kim tự tháp, với chiều cao 146 mét, và được xây bằng 2,3 triệu tảng đá. Khufu là của một vị pharaon của vương triều thứ Tư thuộc thời kỳ Cổ vương quốc của Ai Cập. Ông là vị vua thứ hai của vương triều thứ Tư và đã kế vị người cha là vua Sneferu. Khufu là chủ nhân của Đại Kim tự tháp nay, đồng thời là một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại.

Ở Ai Cập cổ đại cách đây đã hơn 4.500 năm, khi chưa có thiết bị máy móc, làm cách nào mà con người lại có thể xếp chồng lên nhau những tảng đá khổng lồ khít như in vậy? Có rất nhiều lời giải thích cho nguyên nhân hình thành các kim tự tháp, thậm chí có người còn cho rằng kim tự tháp là “kiệt tác” của người ngoài hành tinh. Lão luôn hoài nghi về nhận định này.

(còn tiếp…)

Tác giả: Peter Pho