0 8 min 3 năm

Anh sinh ngày 24 tháng 8, năm 1940, tại Phú Nhuận – Gia Định. Gia đình gồm Ba Má và sáu anh em, hai trai và bốn gái. Lúc đầu gia đình ở Phú Nhuận. Năm 1952, dọn về Tân Định, hẻm 392 đường Hai Bà Trưng. Bên trái hẻm là tiệm chụp hình Văn Hoa, kế bên có tiệm nhuộm Tô Hồng, Thuốc Lào Vĩnh Bảo. Bên phải hẻm có Billards và Phở Vạn Lợi, sát bên có con hẻm nhỏ sửa giày dép và tiệm Cà Rem Hoàn Kiếm. Nhìn sang bên kia là đường Nguyễn Văn Mai, có nhà thuốc Tây Trần Ngọc Tiếng, Pháp Hoa Ngân Hàng, tiệm may Thái Lai, nhà thuốc Bắc của ông Thần Bút.

Hồi nhỏ anh và em trai theo học tại trường Hoà Bình, gần nhà thờ Đức Bà. Lúc mười hai tuổi thì chuyển sang học trường La San Đức Minh. Còn các em gái thì theo học trường Thiên Phước.

Trong những ngày đầu khôi phục môn đua xe đạp đường trường, tôi có vài lần nói chuyện với huấn luyện viên Nguyễn Văn Châu của đội đua xe đạp Cửu Long. Huấn luyện viên cho môn đua xe đạp là một nghề khá kỳ lạ bởi không thể phân biệt đó là nhà hoạch định chiến lược cho một cuộc đua, chỉ đạo chiến thuật cho từng chặng hay là người lo việc tiếp tế. Lúc thì thấy anh ngồi sau xe môtô, hai tay xách hai bánh xe dự phòng chạy kè kè theo “con gà” của mình, lúc lại thấy nhào xuống đất tất bật thay vỏ xe cho cuarơ. Hò hét, chỉ đạo cuarơ khi phải bắt tốp, lúc lên kéo đoàn. Tôi quý anh vì gương mặt sạm nắng, mệt bơ phờ sau mỗi chặng đua nhưng miệng lúc nào cũng cười, hiền lành. Khi được biết anh từng là người đầu tiên mang huy chương vàng về cho thể thao Việt Nam trong môn đua xe đạp thì ngoài sự quý mến còn là long kính trọng.

Cũng như bao trẻ mang sẵn trong mình dòng máu thể thao (ba anh Châu cũng là một cuarơ), ngay từ nhỏ cậu bé Châu đã thích chơi khá nhiều môn thể thao nhưng lại thích nhất xe đạp. 15 tuổi tập đua xe và 17 đã chính thức tham dự cuộc đua đầu tiên. Nhưng chiếc huy chương vàng đầu tiên lại là ở cuộc thi có tầm vóc lớn hơn SEAP Games, bởi đó là huy chương vàng châu Á. Cuộc đua tốc độ năm 1961 ở cự ly 200 mét tại sân đua lòng chảo Tokyo, tay đua 21 tuổi Nguyễn Văn Châu đã rút thắng Ywanmato của Nhật để về nhất. Phải nhớ, Ywanmato thời đó là tay đua xuất sắc và là niềm hi vọng của nước chủ nhà. Kể từ đó biệt danh “vua nước rút” đã thay cho cái tên mộc mạc Nguyễn Văn Châu trong các cự ly đua tốc độ. SEAP Games 1961 tại Rangoon, Nguyễn Văn Châu tham dự với tư cách là quán quân châu Á và anh đã không làm người hâm mộ thất vọng. Dẻo dai và mạnh mẽ, cùng với xuất phát hợp lý, anh Châu đã chinh phục người xem bằng nước rút thần tốc để về nhất, đoạt huy chương vàng ở cự ly 1.000 mét.

Sau này, trong những buổi trò chuyện ngắn ngủi giữa các chặng đua, nhà vô địch châu Á – vô địch SEAP Games 1961 Nguyễn Văn Châu hay nói về ưu thế của người Việt Nam tại các cuộc đua tốc độ. Theo anh, người mình nhỏ con, thiếu sức bền, nên các cuộc đua đường trường không phải lả lợi thế. Nhưng đua tốc độ lại là chuyện khác. Không chỉ tài nghệ, sức mạnh mà còn phải có lòng dũng cảm. Mà điều này thì người Việt Nam lại có thừa. Tôi hay nói đùa với anh về các cuộc đua xe gắn máy chui qua gầm xe “be” của những anh hùng xa lộ để minh họa cho sự gan lì, mê mạo hiểm của thanh thiếu niên nước mình như là một minh chứng cho lòng dũng cảm. Cả hai cùng cười nhưng tôi biết trong thâm tâm nhà cựu vô địch châu Á và SEAP Games này, tình yêu của anh dành xe đạp còn nhiều lắm.

Sưu tầm từ Internet