Đây là bài phỏng vấn vận động viên Bổng nổi tiếng thời bây giờ. Ông là nhân vật được nhắc đến trong truyện Cỏ dại của nhà văn Tô Hoài. Bài phỏng vấn do nhà văn Vũ Bằng thực hiện khi ông còn làm ở tờ báo Trung Bắc chủ nhật.
BỔNG, QUÁN QUÂN XE ĐẠP 1933-1934
Trong khi đoàn cua-rơ xe đạp Trung, Bắc, Nam, Mên đương đo bánh ở trên đường thiên lý, chúng tôi đã gặp Bổng, quán quân xe đạp 1933-1934, chạy hàng vạn cây số mà chưa hề nổ lốp. “Ông Bổng, ý kiến ông về cuộc đua Hà Nội – Sài Gòn – Cao Miên này ra sao?”
“Tôi lo quá, ông ạ!” − “Cái gì? Lo cái gì?”
Nhà quán quân xe đạp Bắc Kỳ là Bổng hiện bây giờ là chủ nhiều xe tải khách đường trường. Ông ở một cái nhà rộng. Ông có vài chục người giúp việc. Suốt ngày trong nhà ông có tiếng máy kêu. Tôi đến nhiều lần tìm ông không gặp. Đến tận hôm nay, một ngày thứ sáu mưa dầm, tôi mới bắt được ông. Ông định đi Phú Thọ. Thấy chúng tôi đến, ông đành phải hoãn cuộc đi ấy lại. Và câu nói trước tiên của ông khi chúng tôi lên gác ngồi xuống ghế là câu này: “Tôi lo quá, ông ạ”. Thì ra nhà quán quân xe đạp của chúng ta vừa mới trông thấy tôi đã biết ngay là tôi đến có việc gì. Nguyên tôi với Bổng gặp nhau lần này không phải là lần thứ nhất. Từ 1925 đến 1936, chúng tôi đã gặp nhau luôn ở trên đường. Bổng hồi ấy là một ông tướng trong làng xe đạp Bắc Kỳ mà kẻ viết bài này thì là một phóng viên bé nhỏ của báo Trung Bắc tân văn, thường đi theo các cuộc đua xe đạp lớn để viết bài tường thuật. Tôi đã trông thấy cái tài của Bổng. Tôi biết rằng Bổng đã có một thời xứng đáng làm một tay đàn anh trong làng đua. Vì vậy, trong khi đoàn cua-rơ Bắc Nam Trung và Mên rong ruổi trên đường thiên lý để so vành bánh, người có thẩm quyền nói về cuộc đua ấy, theo ý tôi, là Bổng vậy.
Cuộc nói chuyện của Bổng với tôi hôm nay trên một cái gác phố Rollandes vừa là một câu chuyện thành thực giữa hai người bạn cũ đi hai đường đời mà lại gặp nhau, vừa là một câu chuyện tò mò của một người làm báo đã nghe chuyện hộ cho trên dưới mười vạn người đương trông chờ kết quả cuộc đua Hà Nội-Sài Gòn và luôn luôn muốn biết ý kiến của những người khác đối với cuộc đua ấy ra sao. Tôi hỏi Bổng và sẽ còn có dịp nói chuyện với những tay đã lập được những thành tích vẻ vang trong làng xe đạp năm 1941-1942 vậy.
Tuần trà vừa cạn
Tuần trà vừa cạn, câu chuyện bắt đầu. Bổng mắm môi lại nói với một giọng hăng hái và sốt sắng như người cua-rơ xe đạp mươi năm về trước lúc sắp chạy đường trường vậy:
− Tôi lo vì tôi không hiểu tại sao anh em Bắc Kỳ đến chặng Đồng Hới lại chậm tới mười lăm mười bảy phút. Các báo hàng ngày ở đây đăng không rõ thì giờ. Tôi, đêm nào tôi cũng nghe radio Sài Gòn, bởi vì tôi nóng ruột quá, có lẽ nóng ruột hơn cả. Tôi muốn biết kết quả ngay. Tôi thú thực với ông, tôi đã tưởng tôi nghe lầm nhưng bây giờ thì đích rồi, không thể sai được nữa. Thạt là một điều không may cho anh em Bắc Kỳ. Nếu tôi không bận công việc làm ăn, tôi quyết đi ngày đi đêm vào trong đó để xem công chuyện của anh em ra thế nào.
− Tôi tưởng công việc của ông không để cho ông nghĩ đến việc ấy…
− Ông nghĩ vậy chứ chính tôi, ngay từ hôm đầu tôi đã muốn đi theo anh em rồi. Đi theo như thế thì thú lắm. Tôi vừa được sống lại những giây phút hồi hộp mười lăm năm trước vừa có hy vọng bàn bạc với anh em chúng bạn nhiều điều hay. Thật, làng xe đạp ở xứ ta mấy độ nay tiến quá. Các bạn tôi chơi hay lắm, hay không tưởng tượng được. Thân còn nhiều hy vọng về tương lai. Tôi biết rõ anh ấy lắm. Bước tương lai của anh ta còn dài. Anh ta đang giữ chức quán quân làng xe đạp xứ ta hiện giờ về tài chạy mà vừa về tuổi nữa. Thân mới có 17 tuổi. 17 tuổi mà lại được nhiều thành tích vẻ vang như thế, có lẽ xứ Đông Dương này chẳng có ai. Tôi dám cuộc rằng chỉ trong hai năm nữa, nếu Thân cứ giữ gìn sức khoẻ và tập dượt luôn luôn thì làng xe đạp Đông Dương không có một ai theo kịp hắn. Hiện giờ, bởi vì Thân ít tuổi nhẹ cân và sức khoẻ chưa phát triển được hoàn toàn nên cũng bị đôi phần thiệt hại. Tôi còn nhớ hồi tôi còn chạy trên vòng, một hôm Mégy có đưa cho tôi xem một tờ báo Pháp nói về những chuyện thi xe đạp. Tôi nhớ báo ấy có viết rằng ở các nước Âu châu, những cua-rơ xe đạp 18 – 20 tuổi mới chỉ bắt đầu dự những cuộc thi vi-tét.[1] Từ 22 đến 25 bắt đầu thi đường trường nhưng giỏi lắm chỉ chạy được từ 100 đến 200 cây số là cùng. Mà cua-rơ từ 22 đến 40 mới dự những cuộc chạy vòng quanh nước Pháp. Ở xứ ta, cua-rơ sống không được phong túc lắm, lại thường dùng tài trước tuổi, đã đành là một điều hay, nhưng nếu những ông bầu không biết chăm nom vỗ về thì những thiên tài ấy rất sớm bị mai một với thời gian vậy.
Thân được hơn anh em vì y rất có công phu luyện tập. Thân hay đều cả, còn Cư, Sếnh cũng hay lắm nhưng có cái trội có cái không. Cư và Sếnh làm cho người ta sợ vì nước rút. Còn về Nhân thì quả anh ta không thẹn với cái tên “con sên leo dốc” mà làng thể thao đã gán. Chơi được với con sên này còn có con cuốn chiếu Hắc, – Hắc đen, đen như con cuốn chiếu mà ta vẫn thường thấy về mùa hạ khi trời sắp đổ mưa! Cua-rơ xứ Bắc còn nhiều người giỏi nữa, có những cái tài khôn nói xiết, nhưng tôi chỉ nói về bốn anh trên này bởi vì tôi biết rõ mấy anh này lắm lắm. Tôi quý các anh ấy và tôi chắc các anh ấy còn đi xa, – đó là nói cả nghĩa bóng – đi xa nhiều nữa.
Khổ vì đôi lốp
− Ông Bổng, chúng tôi nghiệm thấy rằng trong cuộc đua Hà Nội − Sài Gòn − Cao Miên này, anh em Bắc Kỳ ta bị nổ lốp luôn luôn.
Trong nửa tiếng đồng hồ tiếp chuyện, Bổng không kém hăng hái một lúc nào. Nhà quán quân xe đạp đã có hồi giữ luôn mấy năm áo vàng liền, lúc nào cũng hăng hái hơn lên. Theo như lời ông nói thì người ta đã lầm lắm khi cho là ông đã già. Ông hết sức cải chính những lời nói ấy:
− Tôi năm nay còn trẻ lắm. Mới có ba mươi bảy. Ở nước khác, 37 tuổi chính mới là lúc sức lực người ta phát triển và có thể đem hết tài trí ra để dự những cuộc đua dài. Tôi vẫn còn khoẻ lắm. Tôi vẫn còn đi xe đạp. Bởi vậy, dù bây giờ đã tạm gác giò rồi, tôi vẫn để ý xem xét về xe đạp và học về cách chạy của những nhà quán quân trong hoàn cầu. Theo những sự hiểu biết của tôi thì xe đạp lúc thì phần nhiều bị nổ lốp vì người cua-rơ bơm bánh tham quá, bơm găng quá. Tôi không bao giờ bị vào trong “ca” này. Trong suốt một đời chạy thi của tôi, tôi có thể xin phép ông tự hào một chút rằng chưa bao giờ tôi bị nổ lốp ở trên đường trường. Đó là vì tôi cẩn thận trong sự tổ chức các cuộc dự thi cũng như tôi thận trọng trong việc tổ chức cuộc đời của tôi. Tôi ăn đúng lệ và ngủ rất sớm. Không bao giờ tôi trác táng, thức đêm. Tôi giữ thân thể, sức khoẻ thế nào thì mỗi khi dự một cuộc thi nào tôi cũng coi sóc cái xe của tôi như thế. Tôi chọn một đôi vành bánh tốt nhất để dùng. Lốp cần phải là thứ lốp hảo hạng. Mà những cái boyau đem sơ-cua, bao giờ tôi cũng chọn lọc rất kỹ mất mấy ngày. Nhưng không phải tôi đem những cái boyau mới nguyên như thế để mà dùng đâu. Những cái boyau secours [2] bao giờ bao giơ tôi cũng tập dượt trước lấy độ vài bốn trăm cây số cho quen đi đã. Thứ nhất là cần phải chọn cái đầu van nào thực ngọt để lúc cần đến thì bơm cho dễ. Còn nhớ có một lần đua lấy championnat [3] ngày mùng hai Tết tôi chạy nhất về đến Hải Dương. Cùng một tốp với tôi có mấy người nữa trong có X. là bạn tôi. X. và mấy người kia rủ tôi xuống một cái nhà ở lề đường uống nước. họ thì uống nước chanh. Tôi vừa đói vừa khát, lại không có tiền, đành phải vào một túp lều tranh xin một hơi nước lã. Uống xong, lúc ra tôi nhảy lên xe đạp chạy thì được một quãng đường, cái bánh sau của tôi nổ lốp, − đây là một sự nổ lốp đặc biệt, các bạn đọc ở dưới này sẽ biết. − Tôi vội nhảy xuống xem thì té ra là một cái đinh mới. Tôi vội nhổ ngay ra và việc tôi thay bánh chỉ làm trong chớp mắt. Tôi đã tập từ nhà. Cái đầu van đã ngọt, tôi chỉ tính đúng mấy nhát bơm thì đủ chạy. Tôi không phải nắn bánh như nhiều người, như thế mất nhiều thì giờ lắm. Đằng này đã biết mấy mấy nhát bơm là đủ, tôi cứ bơm đủ ngần ấy nhát, vặn đầu van lại rồi đi luôn. Tiện và nhanh quá. Chẳng mấy lúc, tôi lại đuổi được bọn cua-rơ đi trước.
Câu chuyện này tưởng cũng nên kể lại để ông nghe vì trong đời đua xe đạp của tôi, chuyện này làm cho tôi thích mà cũng làm cho tôi tức nhất. Đuổi được bọn cua-rơ đi trước rồi, tôi lại vượt họ. Gió lúc ấy nhiều, tôi mệt nên được độ một cây số tôi lùi lại đi sau. Cái môn bám là môn hay nhất của tôi, tôi đem ra dùng. Kết quả đương tốt thì đùng một cái bánh xe đằng trước của tôi lại nổ. Thật là lạ, trong đời đua đi xe đạp tôi thực chưa bao giờ gặp cái “ca” như thế này. Tôi nhảy xuống, thì lại là một cái đinh nữa, dài bằng cái đinh thứ nhất. Tôi giữ lấy hai cái đinh ấy và sau này các bạn sẽ thấy tôi làm gì. Nhưng ngay lúc đổi lốp ấy, tuyệt nhiên không có ai biết cả. Chỉ già một phút! Từ Hải Dương về Hà Nội, hai lần tôi nổ lốp mà đến đầu cầu sông Cái tôi lại bắt được X. Đó là bởi tôi không bị nổ lốp luôn nhưng tôi chịu khó tập như mình bị nổ lốp luôn. Như thế có lợi lắm.
Tại sao trong suốt một đời đi xe đạp của tôi không nổ lốp bao giờ hết mà lần ấy tôi lại bị tới hai lần? Biết chuyện hai cái đinh rồi, bây giờ tôi chắc ông không lạ nữa. Trong buổi họp cuả Tổng cuộc và các cua-rơ, tôi trịnh trọng đặt hai cái đinh vào một cái đĩa của Hotel Coq d’Or và tôi thuật lại lúc tôi gác xe đạp chung với bọn cua-rơ nói trên kia để vào trong một cái lều tranh xin nước uống. Nhân tiện, tôi lại nhắc ông rõ luôn đến cuộc đua năm 1934 mà có người dám nói là anh em cua-rơ cũng đã dùng đinh để hại nhau. Tôi bây giờ cũng đã giải nghệ, tôi không cần phải dấu hay cần phải nói dối làm gì. Tôi có thể nói quyết anh em Bắc Kỳ không bao giờ phải làm những chuyện hèn hạ đê tiện thế. Chính tôi trong một cuộc đua năm 1934 hay 1932 gì đó, tôi đã xuống chữa xe giúp một bạn trong Nam và bởi vì tôi chữa xe cho anh ta, tôi thấy cần phải coi cái xe ấy cho tới lúc về đích để khỏi mang tiếng là làm hại. Thực lắm lúc người đua xe khổ lắm: nghĩ đến xe, nghĩ đến mình và nghĩ đến cả người, có khi nghĩ đến người hơn là nghĩ đến chính bản thân mình nữa. Một nguyên nhân chính của sự nổ lốp xe, theo như ý tôi, thì do ở người cua-rơ. Ông có để ý nghiệm mỗi khi ta đi xe đạp, phởn lên, ta lái guidon [4] sang bên này quay guidon sang bên kia hoặc là nhấc bánh trước lên chơi thì hai bên cạnh cái lốp dẹp hẳn xuống không? Đó, như thế là cái lốp hại đi chứ còn gì? Nếu lúc ấy trên đường lại có hòn sỏi nhọn hay mảnh thuỷ tinh thì tất nhiên phải đâm vào lốp và cứ mỗi khi rún thêm một tí thì hòn sỏi hay mảnh thuỷ tinh đó đâm vào càng mạnh. Người cua-rơ đạp xe ở trên đường trường cũng thế. Biết mình hơn tốp khác rồi hay là tin chắc thế nào mình cũng đánh lừa bọn khác bằng mánh lới của mình rồi, người cua-rơ thường hay rửng mỡ đi nghẹo bên này nghẹo bên kia cho sướng. có khi đi chậm, lại có khi không cúi đầu cắm cổ đạp dấn, để không làm gì cả. Theo ý tôi, người cua-rơ xe đạp cần nhất là phải điềm tĩnh. Điềm tĩnh để vừa đạp vừa nghĩ mưu, cái đó đã đành rồi; nhưng điềm tĩnh để cho đừng rửng mỡ lên như thế dễ hại lốp lắm và nổ lốp là thường khi. Tôi không dám khoe chứ thực trong bao nhiêu năm chạy trên đường, lúc nào, dù hơn hay kém người, tôi cũng giữ gìn đôi bánh như bản mệnh và nhìn xuống đường để tìm chỗ phẳng phiu nhất dễ đi chứ không đi quàng đi bậy. Tôi nghiêm trang với chính tôi và không bao giờ tôi khinh chiến với ai cả. Ngay từ lúc bắt đầu một cuộc đua nào cũng vậy, tôi cứ thấy anh nào, dù có tiếng hay không, mà vượt thì tôi cũng phải cố đuổi để bám cho kỳ được. Phương châm của tôi là: Chết thì chết, lúc nào cũng phải bám như một con … móc rách!
Cua-rơ Bắc Kỳ có rất nhiều mánh lới hay
Điếu thuốc lá châm lên, câu chuyện nở trong một làn khói xanh huyền ảo. Bổng nói:
− Đấy, rồi ông xem, cua-rơ Bắc Kỳ còn được. Qua đèo Hải Vân thì có lẽ không bằng anh em Trung, Nam, Mên, nhưng cứ ở trên đường trường, nếu anh em lúc nào cũng đồng tâm hiệp lực như lúc đầu thì đừng nói Hà Nội − Sài Gòn làm chi, nói ngay như có chạy Hà Nội − Sài Gòn aller et retour [5] anh em Bắc Kỳ cũng có nhiều hy vọng chiếm nhiều giải nhất. Đến đay tôi xin ngừng câu chuyện lại mà nhận một điều này: anh em trong Nam liều lắm, có khi đã định tranh ai thì quyết tranh cho kỳ được, ngã chí tử không cần. Anh enm Nam Kỳ vì thế có thể gãy xe đạp như chơi; nếu Bắc Kỳ không giữ thì cua-rơ ở sau lên sẽ vấp phải người đi trước và cũng bị ngã đè lên và rất có thể cũng bị gãy xe đạp nốt.
Anh em Miên có tài leo dốc, mà anh em Trung thì phần nhiều chơi lịch sự. Bắc Kỳ ta kém về leo dốc, có lẽ vì ngoài ta ít dốc mà cũng có lẽ vì ta ít tập leo. Không biết trước cuộc đua này anh em có tập riết leo dốc không? Nếu tôi có dự cuộc đua này thể nào tôi cũng để hàng tuần ra tập aller retour Ba Vì, aller retour Tam Đảo, tập cả ngược gió và xuôi gió. Ông ạ, tôi biết, leo dốc ta đừng nên tham. Cần nhất phải đều chân, chân này xuống thì chân kia lên, chậm thì chậm nhưng đều mà lâu mỏi. Chứ cứ làm cái lối “ông sâu róm” ở trên vòng ngày xưa thì…chết khong kịp ngáp! Dù sao, tôi bao giờ cũng tin rằng anh em Bắc Kỳ đã không tập môn gì thì thôi chứ đã có công tập thì bao giờ cũng mau tấn tới, không khó khăn gì cả. Tôi chắc chỉ một năm nữa cua-rơ Bắc leo dốc cũng giỏi như đi đường trường vậy.
Nói đến đây, Bổng xoa tay nhổm nhổm ở trên ghế, như kiểu sắp làm một sprint,[6] vù cười lên ha hả, tưởng có thể vỡ cả nhà ra được: “Thích quá, thích quá, ông ạ. Làng xe đạp nước ta tiến quá. Thứ nhât là anh em xứ Bắc ta không những đã tài lại có nhiều mánh lới và biết đồng tâm nữa”.
Tôi nói: Tôi biết rằng trong các cua-rơ xe đạp cũng như bất cứ trường hợp nào trong đời người ta sự đồng tâm cũng là cần.
− Chính thế. Không đồng tâm là hỏng hết. Nếu có cách gì nhắn ngay được cho các cua-rơ hiện giờ đương rong ruổi trên đường thiên lý, ông làm ơn nhắn hộ với các anh em tôi rằng ở Hà thành hiện nay có một người bạn thân của họ lúc nào cũng cầu chúc cho họ luôn luôn đồng tâm hiệp lực với nhau và ăn ý với nhau trong tất cả các trường hợp đem thi hành mánh lới. Ông ạ, trong các cuộc đua xe, tài sức là cần nhưng mánh lới cũng quan trọng không kém gì. Tôi có thể kể hết mánh lới tôi dùng mà tôi vẫn thường nói cho các anh em tôi biết, nhưng có lẽ ông không nên viết ra làm gì.
Bổng cười và nói thêm:
− Bí mật nghề nghiệp mà lại!
Vâng, ông Bổng. Hôm nay ngồi thuật lại câu chuyện giữa ông và tôi, tôi xin nhớ lại lời hẹn, không nói về các mánh lới đó trên mặt báo.
− Nhưng ong có thể cho tôi biết rằng một phần lớn sự đắc thắng của ông ngày trước là nhờ vì đâu không?
− Vì mánh lới. Những mánh lới này không có quy tắc nhất định. Mình còn phải tuỳ ở cuộc đua dài ngắn, tuỳ ở những cua-rơ chạy với mình giỏi về môn nào rồi suy luận, rồi tuỳ mình thay đổi. Thi xe đạp có cái thú không tả được. Chân thì đạp, mắt thì nhìn, mà óc thì nghĩ mưu. Có khi bí, óc không nghĩ ra mánh lới; có khi có mánh lới mà mãi không thi hành được; có khi vừa mang thi hành thì kẻ tranh với mình đã biết ngay, mình lại phải biến báo đổi mánh lới này sang chiến thuật khác ngay. Phần nhiều khi một mình thì không thể thi hành mánh lới được. Ít ra phải có hai người nữa vào cánh với mình: người thì dẫn cho đối thủ mụ trí đi. Khi đối thủ đã mụ rồi, đã mệt rồi, theo một hợp ước riêng, sau khi đã ký sổ riêng với nhau rồi, anh nào nhất đạp về nhất, anh nào nhì cứ việc lên nhì…để cho đối thủ ăn bụi ở đàng xa.
Tôi xin thú thực rằng trong cuộc thi lấy giải quán quân 1934 (có cả cua-rơ Nam Kỳ ra dự) tôi ốm đấy, thế mà chỉ vì có mánh lới bọn Bắc Kỳ ăn giải hết, thứ tự 1,2,3,4,5 không lấy gì làm khó khăn.
Như trên kia tôi đã nói, mánh lới sẽ tuỳ nghi thay đổi từng giờ từng phút nên không thể nói hết, mà cũng không nên nói hết làm gì. Anh em Bắc Kỳ đi chuyến này đều là những tay mánh lới cha cả, tôi yên chí lắm, nhưng nhân câu chuyện mánh lới đây, tôi kể lại một câu chuyện mánh lới giữa tôi và một người Pháp, tưởng cũng không phải là vô ích.
Hồi ấy, có lẽ là năm 1932 thì phải, vòng đua La pédale tonkinoise vừa phá được 4 năm, tôi toàn chạy đường trường nên lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mưu. Xứng đáng chọi với tôi nhất có Mégy. Hồi ấy Hà Nội − Hải Phòng − Hà Nội. Đến khách sạn Métropole cua-rơ nào cũng phải xuống ký giấy. Tôi, Mégy và mấy người bạn đi một tốp. Chúng tôi quay lại nhìn đàng sau thì chưa thấy tốp thứ hai đâu. Chúng tôi bèn bảo nhau: Thôi, hay là bây giờ chúng ta đạp từ từ để nghỉ và cứ thong thả xuống xe đạp mà ký, không việc gì phải vội. Thoả thuận. Mấy anh bằng lòng. Lúc ấy có độ 500 thước thì đến khách sạn. Nửa đuà nửa thực, tôi bèn cúi xuống rún, rún chơi thôi, rún hờ hờ. Bất ngờ thế nào các tay đua kia tưởng tôi rún thực, cũng rún, rún thật lực và rún đến nỗi không đỗ được ở trước khácch sạn Métropole nữa. Tôi giả vờ rún thành tôi xuống không khó khăn gì cả. Tôi ký giấy trước nhất. Đến lúc tôi nhảy lên xe đi, câc cậu kia mới lấy đà quay lại được thì đã chậm bét ra còn gì!
Giang hồ thoắt đã động lòng bốn phương
Trời đã về chiều. Mà lại rét nên chóng tối. Tơ nhện hình như là giăng đầy trời. Bổng ra nhìn trời mưa, đốt một điếu thuốc nữa lên hút rồi nói nửa như với khách mà nửa như với mình:
− Cái thời ấy sung sướng quá. Tôi sống hoàn toàn là một nhà thể thao. Bây giờ vì sinh kế, vì các cháu, tôi phải bỏ nghề mà lắm lúc ngồi nghĩ lại thì vẫn tiếc quá, tôi tưởng như mình đã đánh mất một cái gì đẹp nhất. Những khi có những cuộc thi to nào, máu tôi lại sôi lên. Tôi lại muốn đánh một cái quần đùi, lấy tay trỏ móc cái xe lên đem ra đường tập, tập như tôi chưa tập thế bao giờ cả.
Mắt Bổng mờ đi. Tôi nhớ lại lúc Từ Hải về ở với Kiều ít lâu, một buổi sáng nọ thấy cờ xí rợp trời bóng loa dậy đất mà: Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương!
Bổng lại nói:
− Tôi không biết về nghề báo nhưng tôi vẫn nghe thấy đồn rằng nghề báo là một nghề bạc bẽo. Nhưng ai để chân bứoc vào nghề thì không thể nào thoát được ra. Đối với tôi, xe đạp cũng vậy. Thây anh em hoạt động, xin thú thự với ông rằng mấy hôm nay óc tôi lại sôi lên, tôi chưa già, tôi còn khoẻ, thế nào từ nay đến sang năm tôi cũng cố tập để chơi với anh em chuyến nữa. Nếu Tổng cuộc còn tổ chức một cuộc đua lớn như Hà Nội − Sài Gòn − Cao Mên này hay một cuộc vòng Đông Dương, xin ông tin chắc rằng kẻ này thế nào cũng có mặt ở cạnh các anh em cũ: Thân, Cư, Hắc, Sếnh, Nhân… Ông Bằng ạ, tôi trông đời đẹp quá!
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 95 (11/1/1942)
[1] Course de vitesse (chữ Pháp): đua tốc độ.
[2] boyau (chữ Pháp) lốp xe đạp đua; secours: dự phòng.
[3] championnat: cuộc đua giành giải nhất, cuộc đua quán quân.
[4] guidon (chữ Pháp): tay lái xe đạp.
[5] aller et retour (chữ Pháp): khứ hồi
[6] sprint (chữ Pháp): nước rút.