So với các địa phương ở vùng đồng bằng Nam Bộ, môn đua xe đạp thể thao ở An Giang phát triển từ rất sớm. Năm 1925, tại Châu Đốc đã có cuộc đua xe đạp từ Châu Đốc đi Long Xuyên. Tham dự cuộc đua này có các cua rơ của Long Xuyên, Châu Đốc và hai đoàn từ Sài Gòn xuống là “Bécé – Sport” và “Alcyon”. Có thể nói đây là cuộc đua có tiếng tăm ở lục tỉnh thời bấy giờ. Và cũng từ đó, đất An Giang đã sản sinh ra nhiều tay đua lừng danh như: Võ Văn Xã, La Cẩm Huê, Nguyễn Đức Hiền… mà báo chí thời đó đã hết lời ca ngợi.
Ông Võ Văn Xã sinh năm 1905 tại Long Xuyên. Con cháu trong gia đình ông nói các cụ xưa kể lại rừng, vị mẹ của ông tên là Tắc nên đã đặt tên cho con là Xã để gọi cho vần là Xã – Tắc. Tên thường gọi của ông ở quê là Năm Xã. Từ nhỏ, ông Xã đã là một cậu bé khỏe mạnh, vạm vỡ, thông minh và rất ham thích môn đua xe đạp. Ông bắt đầu tập chơi môn xe đạp từ năm 17 tuổi, đã tham dự các cuộc đua ở tỉnh và luôn đạt được thành tích cao. Gia đình thấy ông thích chơi xe đạp và có năng khiếu nên đã bán heo để mua xe đạp đua cho ông. Sau khi tham dự cuộc đua Châu Đốc – Long Xuyên năm 1925, do mến mộ các tay đua đã thành danh ở Sài Gòn lúc đó như Ngô Văn Luông… và nghe theo lời bạn bè, ông Xã đã lên Sài Gòn và tham dự cuộc đua đầu tiên ở Sài Gòn đó là cuộc đua Cấp – Xuân Lộc – Sài Gòn lần thứ Nhì được tổ chức vào ngày 16/10/1927. Trong cuộc đua này, cua rơ Võ Văn Xã thi đấu cho đội Bécé – Sport và được xếp hạng Tư. Được gần gũi và tập luyện chung với các bậc đàn anh, bản thân lại cần cù chịu khó và có năng khiếu, chẳng bao lâu Võ Văn Xã đã trở thành một tay đua có hạng và lập được nhiều thành tích xuất sắc: Năm lần liên tục từ năm 1930 đến năm 1934 đoạt Giải Nhất cuộc đua Cấp – Xuân Lộc – Sài Gòn. Đặc biệt, Võ Văn Xã còn đứng đầu bảng sắp hạng chung cuộc trong cuộc đua Hà Nội – Hải Phòng. Đây là cuộc đọ sức đầu tiên giữa các cua rơ nổi tiếng của hai miền Bắc – Nam khi đó. Ông Xã chính thức giải nghệ năm 1941 và mất ngày 05/08/1945 tại Sài Gòn. Người cháu nội của ông là Võ Nam Tiến cũng là một tay đua ở Long Xuyên trong những năm 1965 – 1975, hiện đang là trọng tài xe đạp quốc gia.
Các thế hệ cua-rơ ở An Giang tiếp sau ông Võ Văn Xã cũng rất nổi tiếng trong làng xe đạp ở Nam Bộ những năm trước và sau Cách mạng tháng Tám. Đó là các ông La Cẩm Huê (còn gọi là ông Ba Cao hay ông Ba Hòa) và ông Nguyễn Đức Hiền. Theo tài liệu cũ còn để lại và theo lời kể của ông Ngô Cang Long (còn gọi là ông Sáu Nến, một tay đua của Châu Đốc ngày xưa, hiện ở tại 233 Thủ Khoa Huân, thị xã Châu Đốc) thì ông La Cẩm Huê sinh năm 1913 tại Núi Sam, Châu Đốc. Ông bắt đầu chơi xe đạp từ rất sớm và đã tham dự nhiều cuộc đua lớn trong những năm 1939 – 1944 ở Sài Gòn. Năm 1944, ông là thành viên trong đội tuyển Nam Kỳ tham dự cuộc đua Vòng quanh Đông Dương. Tháng 08/1945, ông tham gia cách mạng và tháng 12/1947, ông thoát ly gia đình “đi bưng”. Sau giải phóng, ông về công tác tại Sở Tài chính An Giang và nghỉ hưu tháng 6/1977. Tuy lớn tuổi nhưng ông vẫn cùng các lão tướng ở Châu Đốc thường xuyên chạy xe đạp đi Long Xuyên. Ông mất năm 1994.
Ông Nguyễn Đức Hiền sinh năm 1924 tại Châu Đốc, là em rể ông Ngô Cang Long. Ngoài 20 tuổi, Nguyễn Đức Hiền lên Sài Gòn làm thư ký bưu điện và đầu quân cho đội URAGO, sau đó là các đội STELLA, Độc Lập… Trong những năm từ 1949 đến 1956, ông là một trong những tay đua luôn có thứ hạng cao trong các cuộc đua ở Sài Gòn. Đặc biệt, Nguyễn Đức Hiền cùng các cua rơ Châu Phước Vĩnh, Lê Văn Phước và Lưu Quần đã được vinh dự tham gia Thế Vận Hội Hensinky năm 1952. (Trong cuộc đua này VietNam chỉ có vdv Lưu Quần về đích với thành tích 5:24:34.1 xếp hạng 47/154. Ba vdv còn lại DNF). Năm 1982, ông còn đoạt chức vô địch giải đua xe đạp lão tướng tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thật là thiếu sót nếu không nhắc đến một cua rơ nữa ở miệt vườn Nam Bộ cũng rất nổi danh, đó là tay đua Ngô Thành Liêm người Cần Thơ. Ngay từ lúc 14 tuổi, Ngô Thành Liêm đã tập môn xe đạp do sự dìu dắt của người anh trai là Ngô Bá Tạo, cũng là một cựu cua rơ thời bấy giờ. Năm 1949, ông lên Sài Gòn gia nhập đội URAGO và đến năm 1950 thì đầu quân cho đội A.J.S. Năm 1952, tay đua trẻ Ngô Thành Liêm đã giành được chiến thắng đầu tiên, Hạng Nhất trong cuộc đua Sài Gòn – Mỹ Tho – Sài Gòn. Từ năm 1952 – 1956, ông là một trong những tay đua xuất sắc và luôn giành được thứ hạng cao trong các cuộc đua lớn ở Nam Bộ. Ông chính thức giã từ đường đua năm 1974 và mất năm 1980 tại TP. Hồ Chí Minh.
Như vậy, cách đây hơn nửa thế kỷ, ở miệt vườn Nam Bộ đã có những vận động viên xe đạp xuất sắc. Tiếp nối truyền thống ông cha, phong trào tập luyện và thi đấu môn xe đạp thể thao ở đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng phát triển và các tay đua trẻ đang tiếp tục góp thêm những thành tích xuất sắc vào bảng vàng của “Làng xe đạp thể thao Việt Nam”
Sưu tầm từ Internet – https://www.facebook.com/gin.lam.1829/posts/378411703876997