Chơi thể thao phong trào mục tiêu chính vẫn là giữ gìn sức khỏe. Môn chơi thì thiên hình vạn thứ: đá banh, bóng chuyền, tennis, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, võ thuật, yoga… Tự kỷ thì chơi một mình, không tự kỷ thì gia nhập hội nhóm để tám, để đấu láo trước trong và sau khi tập. Nói chung thể thao ngoài sức khỏe thì còn gắn kết anh chị em với nhau thông qua bộ môn mình luyện tập
Khi sức khỏe tăng thì nhu cầu thi đấu để “kiểm chứng” bản thân là có. Máu ăn thua len lỏi vào suy nghĩ vì biết mình mạnh hoặc “ảo tưởng” mình mạnh thế là pặc-co với người khác. Cuôc vui bắt đầu từ đây. Các môn đối kháng 1:1 như: Tennis hơn thua… ra sân làm vài set phân cao thấp. Boxing hơn thua… bấm giờ sparring (nhớ giao kèo mang găng 16oz cho nhẹ đòn) phân mạnh yếu…. Nhìn chung ở các môn 1:1 rất dễ phân kèo. Các môn đồng đội như đá banh, bóng chuyền… thì không sợ kẻ thù mạnh chỉ sợ đồng đội yếu nhưng nếu chơi với tâm lý ăn hay thua vẫn vui vẻ thì đó là thể thao chân chính
Ngày nay xã hội hóa thể thao nên hầu như môn chơi nào cũng được tổ chức thi đấu ở cấp phong trào. Thi đấu để “khích động” phong trào, thi đấu để anh chị em “giải tỏa” năng lượng trong quá trình tập luyện, tích lũy thể lực để biết mình đang ở đâu. Ở Việt Nam có thể nói chạy bộ là môn chơi được tổ chức thi đấu nhiều nhất. Giải được tổ chức nhiều ở các tỉnh thành trải dài từ Nam ra Bắc. Nên những năm gần đây nhà nhà người người tham gia chạy bộ, nhà nhà người người đi chạy giải khắp nơi không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Nhưng muốn tham gia giải chạy bộ phải đóng tiền, chạy càng dài hành xác càng nhiều thì tiền đóng… càng nhiều. Người chơi đông nên giải được hình thành cố định hằng năm và ngày càng có nhiều giải hơn.
Các giải chạy bộ trong nước, ngày chạy giải hội tụ rất nhiều anh chị em ở toàn quốc. Sự kiện trước ngày đua, trong ngày đua, sau giải đua không chỉ dành riêng cho vdv mà còn cho gia đình, bạn bè của vdv. Họ đến đó để ủng hộ người thân cũng như hòa mình vào không khí cuộc chơi. Không khí lễ hội vui vẻ là thứ sẽ lôi cuốn những người chưa tham gia sẽ tham dự vào lần tới. Ở các giải phong trào quốc tế họ còn làm tốt hơn thế nữa nhưng muốn làm được điều này BTC luôn thu chi phí khi vdv muốn tham gia vào cuộc chơi.
Người chơi xe đạp phong trào Việt Nam càng ngày càng đông nhưng các giải đấu ngày càng ít đi? An Giang trước đây có tổ chức nhưng giờ đã ngừng hẳn. Saigonvelo tổ chức giải hai lần, rồi cũng dừng cuộc chơi…. Các giải phong trào tổ chức “lẻ tẻ” dường như chưa có lịch “cố định” trong từng năm, tùy hứng lý ngựa ô? Lý do là do lý lẽ nào? Nhà tài trợ không hào hứng? Đua biết sẽ thua nên không chơi? Tiền thưởng không cao???
Như đã nói ở trên chơi phong trào là do sức khỏe, do đam mê. Thắng thua cũng là thắng chính bản thân mình. Giờ có giải đua và được đi đua là một niềm vui của anh chị em. Nhà tổ chức phải “đau đầu” về lộ trình, phải liên hệ các sở ban ngành liên quan tính toán để bảo vệ an toàn đường đua…. Nói chung có khá nhiều thứ phải lo nhưng họ được gì? Được… ăn chửi, ngạc nhiên chưa? Chửi thế nào à? Thì đây: “Đua phong trào mà cho cựu pro chạy ai chạy lại? Tiền thưởng ít quá? Tổ chức như hạch xe cộ chạy lung tung? Tổ chức giải như shit? Chửi bla bla bla? Nói chung là chế độ auto chửi luôn được bật”. Cho chơi phờ-ri mà còn ăn chửi thì nghỉ khỏe, tổ chức chi cho mệt tấm thân
Xem bài viết về giải đua phong trào ở Đài Loan của anh Nguyen Xin nên ao ước xe đạp Việt Nam tổ chức giải nghiệp dư nhưng phong cách chuyên nghiệp giống như vậy. Tại sao họ thu tiền mà người tham gia vẫn đông (Được biết ở Sài Gòn có nhiều anh chị em đóng tiền mang xe ra nước ngoài đạp đó thôi, không chỉ đi một lần mà còn nhiều lần). Tham gia cuộc đua, đóng tiền (tiền đó là tiền tận hưởng cuộc vui, theo quan điểm cá nhân). Anh nào thích thì tham gia một lần, ghiền thì chơi tiếp. Không hợp ý cứ chửi, nghỉ chơi giải đó kiếm giải khác chơi.
Đang nói thể thao phong trào nhé!