Từng tạo ra nhiều thành tích vang dội trên đường đua và cống hiến cho đội tuyển quốc gia những cua rơ xuất sắc, trong đó nổi bật nhất là 3 năm liên tiếp đoạt áo vàng cúp xe đạp truyền hình (1994 – 1996), nhưng đội xe đạp Cảng Sài Gòn giờ đây chỉ còn trong ký ức của người hâm mộ.
Làm mưa làm gió trên đường đua
Nhắc đến xe đạp Cảng Sài Gòn (CSG) là mọi người nhớ đến thời hoàng kim của xe đạp TP.HCM vào những năm 1990. Xuất phát từ dịp giao lưu quần vợt giữa lãnh đạo Trung tâm TDTT quận 1 là ông Trần Thanh Ngữ và ông Trần Văn On, Tổng giám đốc CSG vào năm 1992, 6 tay đua trẻ nhiều triển vọng của đội năng khiếu quận 1 như Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Thanh Long, Lê Trọng Tâm, Quách Công Thiện, Huỳnh Trung Dũng dưới sự dẫn dắt của HLV Huỳnh A đã được “chuyển giao” về thi đấu trong màu áo CSG. Vốn tâm huyết với thể thao, chỉ sau thời gian ngắn lãnh đạo CSG đã chấp nhận thành lập đội đua này vào năm 1993. “Thời đó, do có đến 6 tay đua nhưng chỉ có 5 suất được nhận lương nên các cua rơ này đành phải san sẻ cho nhau”, cua rơ Nguyễn Văn Hiệp kể lại.
Chỉ sau 1 năm thành lập, đội đua này nhanh chóng tạo được tiếng vang khi cua rơ Nguyễn Văn Hiệp đoạt chiếc áo vàng Cúp Truyền hình TP.HCM 1994 cùng vị trí thứ hai giải đồng đội. Đến năm 1995, với sự góp mặt của cua rơ Võ Hải Thanh, họ lại tiếp tục thâu tóm các danh hiệu tại Cúp Truyền hình TP.HCM khi Thanh đoạt cả chiếc áo vàng lẫn danh hiệu vua leo núi và giành chức vô địch đồng đội. Một năm sau, Võ Hải Thanh tiếp tục bảo vệ được chiếc áo vàng của mình qua đó đưa đội đua này trở thành ê kíp có được ba chiếc áo vàng liên tiếp, và đến nay kỷ lục này vẫn chưa đội nào phá được. HLV Huỳnh A nhớ lại: “Đây chính là thời kỳ được xem là đỉnh cao của đội xe đạp khi chúng tôi làm mưa làm gió trên đường đua. Lúc đó, các đội đua khác đều phải nể phục vì tính kỷ luật và tinh thần đoàn kết của tập thể đội CSG”.
Duy trì khó, xóa quá dễ
Đến năm 1997, dù đội có thêm những tay đua mạnh như Đỗ Thành Đạt, Trần Hùng từ đội khách sạn Thanh Bình cùng Nguyễn Thành Quyết, Nguyễn Nam Cực đầu quân. Nhưng do người mới về chưa hòa nhập tốt trong khi người cũ lại xuất hiện tư tưởng tị nạnh nên đội thiếu hẳn sự đoàn kết và phải “trắng tay”. Sau khi chấn chỉnh lại, tay đua Nguyễn Thành Quyết tiếp tục đem về cho CSG chiếc áo vàng năm 1999 và Nguyễn Nam Cực cũng 4 lần được mặc áo xanh của giải đấu này. Bên cạnh đó, ê kíp này cũng đạt được rất nhiều chức vô địch tại các giải đấu khác như Cúp Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cúp đồng bằng sông Cửu Long… Nhưng việc không cùng nhìn về một hướng đã khiến đội suy sụp sau đó.
Đội trưởng Nguyễn Văn Hiệp nhớ lại: “Tại cuộc đua xuyên Việt năm 2000 chặng từ Quảng Ngãi về Quy Nhơn, lúc đó đội đang có đến 4 tay đua nằm trong top 5 của bảng tổng sắp cá nhân còn giải đồng đội đang hơn đội đứng sau đến 7 phút. Nhưng chính sự tị nạnh và việc các tay đua không chịu “chạy” khiến đội thua lại đến 28 phút”.
Tháng 9.2004, đội xe đạp chính thức bị xóa sổ khi giữa lãnh đạo và các thành viên trong đội đã không tìm được tiếng nói chung về tiền lương. Ê kíp này sau đó đã được chuyển giao và đổi tên thành Sài Gòn Dofilm. Cua rơ Nguyễn Văn Hiệp buồn bã nói: “Chúng tôi như suy sụp sau khi đội tan rã và chuyển giao. Bởi cái tên CSG đã đi vào lòng người bằng phong cách thi đấu đẹp, “cháy” hết mình trên đường đua giống như đội bóng đá. Xóa đi thì quá dễ nhưng tìm lại được hình ảnh hào hùng, khí phách như vậy thì không dễ chút nào”.
Tác giả: Minh Tân (Thanh niên)
Link bài gốc: https://thanhnien.vn/nhung-tuong-dai-da-mat-doi-xe-dap-chi-con-trong-ky-uc-post1297284.html