0 12 min 4 năm

Có một người đứng đằng xa nhưng quan sát rất kỹ cuộc chiến, Hitler. Ông ta cho rằng quân Liên Xô là một đạo quân yếu kém, tấn công một nước nhỏ cũng không xong nên đã phê duyệt kế hoạch Barbarossa của Von Paulus (tình cờ là ông Thống chế đầu tiên bị bắt trong lịch sử). Người Phần Lan gia nhập cuộc chiến này với Hitler, nhưng ngay khi giành lại lãnh thổ bị mất thì họ dừng, không tấn công xa hơn, ngay cả khi người Đức yêu cầu họ phối hợp cùng đánh Leningrad. Người Phần Lan do không tham chiến cùng Đức nên không chịu những thảm cảnh bị bao vây giết sạch như quân Hungary hay Romania ở Stalingrad. Phần Lan cũng không bắt người Do Thái giao cho Đức như hầu hết các đồng minh khác của họ. Điểm này làm cho Phần Lan chịu các điều khoản dễ chịu hơn nhiều so với các đồng minh khác của Đức trong chiến tranh. Họ chỉ phải thi hành lại hiệp ước Moscow và mất thêm vài mỏ nicken ở phía Bắc. Về phần người Đức, sau khi được chủ nhà Phần Lan “mời” rút quân ra khỏi nước họ thì đã phá huỷ toàn bộ cơ sở công nghiệp có giá trị ở Lapland.

Chiến tranh mùa Đông và cuộc chiến sau đó sát cánh với Đức làm người Phần Lan thiệt hại 100 ngàn người, toàn bộ cơ sở công nghiệp gần như bị phá hoại, mất lãnh thổ và có nguy cơ bị trở thành nước cộng sản phụ thuộc vào Liên Xô. Điều gì giúp nước này chẳng những không thành một nước cộng sản mà còn là một nước giàu mạnh theo thị trường tự do bậc nhất ở châu Âu?

Khoản bồi thường nặng nề 300 triệu đô la đã trở thành động lực lớn để người Phần Lan thay đổi cách làm công nghiệp của họ. Họ phát triển các ngành công nghiệp đóng tàu, thành lập các nhà máy công nghiệp nặng. Họ đặt ra một chính sách nhượng bộ tuyệt đối với người Liên Xô thông qua việc hiểu rõ chiến lược của người Nga chỉ đơn giản là vấn đề địa chính trị. Họ phát triển một mạng lưới thân thiết với các lãnh đạo Xô Viết thông qua hai tổng thống biết rõ văn hoá Nga là ông Paasikivi và ông Kekkonen. “Khi tôi đã có Paasikivi thì tôi còn cần gì đến Đảng Cộng Sản Phần Lan?” trích Stalin. Tuy nhiên hai tổng thống này hoàn toàn không phải là con rối của LX. Họ biết lúc nào cần nhượng bộ thì nhượng bộ, lúc nào cần leo thang là leo thang. Nỗ lực ngoại giao con thoi của họ đã tạo sự an toàn tuyệt đối cho Phần Lan những năm sau chiến tranh thế giới II và làm tiền đề cho sự phát triển vượt bậc của nước này. Phần Lan là nước thân phương Tây nhất trong số các láng giềng của Liên Xô và là nước thân Liên Xô nhất trong các quốc gia phương Tây. Thành tựu của Phần Lan thì đến nay mọi người đều đã biết. Giáo dục thì hạng 1 thế giới, nền kinh tế sáng tạo thứ 3 thế giới. Điện thoại di động Nokia thì ai cũng đã biết, mặc dù chết đã lâu rồi nhưng vẫn là một thành tựu độc đáo của Phần Lan. Chú chim giận dữ Angry Bird cũng được sinh ra từ Phần Lan. Thu nhập đầu người lên đến 42,966 USD/ năm, cao hơn Nhật Bản. Dân ta cũng có nhiều người du học Phần Lan do nhận được học bổng hoặc tự túc.

Liên Xô đối xử với Phần Lan một cách “nhân đạo” nhất trong số các láng giềng của họ. Đảng Cộng Sản Phần Lan bị chính Liên Xô cấm hoạt động trên đất Phần Lan, họ giảm việc bồi thường và rút khỏi toàn bộ Phần Lan, cho phép Phần Lan đi theo con đường Phương Tây trong việc phát triển kinh tế. Có lẽ cũng một phần e ngại những con người dũng cảm ở Phần Lan nên Liên Xô chưa bao giờ bức ép họ đến cùng như mùa đông năm 1939.

Bài học lớn nhất từ Phần Lan là việc họ biết nhu biết cương. Chiến đấu thì dũng cảm, làm kinh tế thì khôn ngoan, ngoại giao thì đu dây giỏi. Chưa nước nào dám đánh trực diện như vỗ mặt vào Liên Xô như Phần Lan, cũng chưa nước nào nịnh Liên Xô như Phần Lan sau thế chiến. Họ sẵn sàng hoãn bầu cử tổng thổng năm 1974 để chiều ý người Liên Xô về ứng cử viên mà Liên Xô yêu thích.

Người Phần Lan đạt tỉ lệ đồng thuận cao sau Nội chiến. Dù Đỏ hay Trắng, Phần Lan là trên hết, không ý thức hệ nào cao hơn Phần Lan. Do đó họ luôn đồng thuận về môi trường xây dựng kinh tế tự do là tốt nhất dành cho Phần Lan.

Người Phần Lan có nền giáo dục độc đáo dựa trên đặc tính dân tộc và tính sáng tạo cao. Tuy phụ thuộc Thuỵ Điển cả trăm năm, phụ thuộc Nga thêm cả trăm năm nữa nhưng các lãnh đạo của Phần Lan như Thống chế Mannerheim (Trung tướng quân đội Sa Hoàng cũ), Passikivi (thạo tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ), Rakkonen đều muốn xây dựng Phần Lan theo bản sắc Phần Lan chứ không copy theo mô hình nào cả. Họ có thể copy theo hệ thống phương Tây nhưng không chống Nga tuyệt đối như phương Tây. Họ có thể nịnh Nga nhưng không xây dựng mô hình xhcn. Họ là độc nhất ở châu Âu!

Lãnh đạo Phần Lan sáng suốt không có tham vọng lãnh thổ. Trong suốt chiến tranh Xô Đức, người Phần Lan hầu như đứng nhìn vùng lãnh thổ bỏ ngõ phía bên kia chứ không vượt biên giới trước chiến tranh. Họ biết khi nào cần chiến đấu dũng cảm nhưng cũng biết giới hạn của chính mình. Chiếm rồi giữ nổi không? Đó là vấn đề.

Việt Nam có thể học rất nhiều thứ từ Phần Lan trong tương lai của chúng ta. Chúng ta như một phiên bản tương phản của Phần Lan, ở chỗ chúng ta không biết dừng, không biết nhu và cương đúng lúc cũng như không biết hoà giải sau chiến tranh. Đến lúc phải nhìn ra thế giới và học hỏi những điều hay của họ.

The end

Tác giả: Duy Anh Nguyen