Không còn nghi ngờ gì nữa, Ấn Độ là đất nước huyền diệu và lãng mạn, là cõi Cực Lạc mà Đường Tam Tạng đã trải qua muôn vàn gian nan đi đến để thỉnh kinh. Ấn Độ cũng là một đất nước đầy mâu thuẫn, đầy tranh cãi, nhưng lại đầy hấp dẫn. Một số người khi đã bước chân đến đây đều không khỏi yêu nó đến say đắm và khó có thể rời xa, coi nó như thiên đường, nhưng một số người lại chế nhạo Ấn Độ, mô tả nó như một khu chợ ồn ào, bẩn thỉu, nghèo nàn và lạc hậu, và coi nó như địa ngục. Nhà văn Mỹ Mark Twain đã từng nói rằng “vì sự phức tạp của Ấn Độ nên bất kỳ sự đánh giá nào cũng đều đúng”. Bản thân Ấn Độ là nơi giao thoa giữa thực tế và mộng cảnh. Câu trả lời nằm trong trái tim mỗi người, ngay trong mắt bạn. Bạn hy vọng nhìn thấy điều gì? Bạn muốn ngăn chặn điều gì? Chỉ bạn mới có thể giải thích Ấn Độ.
Ấn Độ là đất Phật, tuy rằng nó lộn xộn bẩn thỉu phản ảnh lên muôn kiếp nhân sinh trong cõi ta bà. Nhưng nếu bạn đến đây với một tấm lòng hành hương để trải nghiệm, thì ngoại cảnh không cần thiết. Bạn nhìn thấy dấu ấn của Phật, chạm tay vào cổ tích, đấy là thiên đường. Bạn nhìn thấy và chứng kiến hiện thực, đấy là địa ngục.
Lão đã chứng kiến những cảnh tượng không thể hiểu nổi này mà rơm rớm nước mắt, khi đã ngộ ra thấu hiểu mới cảm thấy sự ngu dốt và tầm thường của chính mình. Điều kỳ diệu của Ấn Độ là trong sự hoang tàn và hỗn loạn vẫn tỏa sáng trí tuệ của nền văn minh triết học cổ đại. Nếu nhìn nó bằng bộ óc văn minh hiện đại, bạn sẽ không hiểu hết Ấn Độ. Chúng ta chỉ nhìn thấy sự bất công của chế độ đẳng cấp và sự mê muội vào nhiều vị thần, nhưng chúng ta không thể cảm nhận được sự cân bằng của việc chấp nhận luân hồi ở mỗi người nơi đây, bởi vì tất cả những điều này có thể bị cho là mê tín.
Mặc dù Ấn Độ là một quốc gia, nhưng có hai thế giới cực đoan. Mặc dù họ cực đoan chia rẽ, nhưng lại khăng khít với nhau. Tầng lớp trên bóp cổ tầng lớp dưới, tầng lớp giàu sụ thành công là nhờ sự bóc lột tầng lớp dưới. Vậy trong thế kỷ 21, tại sao Ấn Độ vẫn chưa thay đổi được tình trạng này?
Thứ nhất, chế độ đẳng cấp phân tầng xã hội đã được lưu truyền hàng nghìn năm. Xã hội Ấn Độ được chia thành bốn đẳng cấp, Bà la môn, Kshatriya, Vaisha và Sudra. Theo quan điểm của họ, Bà La Môn là cửa miệng của người nguyên thủy và thuộc tầng lớp cao nhất của xã hội. Họ thuộc hàng tăng lữ và có quyền giải thích mọi kinh điển. Kshatriya là cánh tay của người nguyên thủy, do Bà-la-môn trực tiếp điều khiển, phụ trách quyền lực quân sự và chính trị. Vaisha là đùi của người nguyên thủy, là những người bình thường bao gồm nông dân, người chăn nuôi và thương gia. Sudra là chân của người nguyên thủy, thuộc về thấp nhất. Những người thuộc đẳng cấp này bao gồm những người hầu, thợ thủ công, bồi bàn và đầu bếp. Đây là giai cấp đông dân nhất. Những người thuộc dạng Bà La Môn sẽ không hề coi người thuộc dạng Sudra là “người”, không chạm tay vào họ thậm chí nếu đang đi trên đường mà chiếc bóng của họ bị chiếc bóng của người Sudra đè lên cũng lập tức về ngay để tắm rửa sạch sẽ.
Những người ở khúc cuối thấp nhất của kim tự tháp cam chịu phục tùng và không bao giờ cảm thấy rằng có bất kỳ vấn đề gì. Theo quan điểm của họ, ngay từ khi sinh ra, họ đã có một định mệnh bi thảm, nếu không phục tùng tầng lớp thượng lưu, họ sẽ vi phạm ý trời và bị ông trời trừng phạt.
Chế độ đẳng cấp ban đầu chỉ là lời nói xảo quyệt được tạo ra bởi những người ở cấp cao để hưởng sự thịnh vượng và giàu có vĩnh viễn, nhưng lời xảo quyệt này đã được lưu truyền trong 3000 năm và mọi người đều biết bộ mặt thực sự của nó. Người Anh khi thống trị nước này cũng đã từng nghĩ đến việc xóa bỏ chế độ này nhưng cũng không thành.
Ấn Độ đã độc lập trong nhiều năm và chưa bao giờ cảm thấy rằng chế độ đẳng cấp là một tệ hại. Chừng nào nó còn tồn tại, giai cấp xã hội sẽ tiếp tục cố định theo cách này, những người ở dưới đáy sẽ không bao giờ có cơ hội đứng lên và nắm quyền kiểm soát, và khoảng cách giàu nghèo sẽ tiếp tục được nới rộng.
Thứ hai, những mặt hạn chế của Ấn Độ giáo. Tôn giáo này cho rằng phụ nữ là hiện thân của cái ác. Họ được sinh ra để làm mê hoặc thế giới, họ chỉ là kẻ hầu của đàn ông, họ không xứng đáng với bất kỳ phẩm giá nào, và họ không có nhân quyền nào cả. Chừng nào sự nguyên thuỷ và hạn chế của Ấn Độ giáo không bị phá vỡ, thì phụ nữ Ấn Độ sẽ không bao giờ có thể phá vỡ gông cùm. Sự bất công bằng giữa nam và nữ của Ấn Độ khiến các vụ hiếp dâm vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi đất nước suy sụp.
Cả chế độ đẳng cấp và Ấn Độ giáo đều đã ăn sâu vào đất nước này và không thể xóa bỏ nó. Bởi vì một khi chạm đến những điều này thì đụng chạm đến lợi ích của tầng lớp trên khi tầng lớp này dù chỉ có 1% dân số nhưng nắm giữ đến hơn 70% tài sản cả nước. Và làm sao họ có thể chịu đựng được chiếc bánh của mình bị kẻ khác chia cắt?
Lần bùng phát thứ hai của đại dịch ở Ấn Độ là hình ảnh thu nhỏ cho những khiếm khuyết của Ấn Độ. Trước hết, họ biết rằng dịch bệnh vẫn chưa qua đi nhưng vẫn tổ chức các nghi lễ tôn giáo hoành tráng và tụ tập tranh cử. Thứ hai, họ tin tưởng một cách mù quáng, mê tín rằng với sự phù hộ của thần linh, họ có thể vượt qua dịch bệnh.
Dịch bệnh bùng phát, người chết như rạ, những người giàu đã đáp máy bay riêng trốn sang châu Âu để hưởng thụ tiếp, để lại những người nghèo vật lộn với dịch bệnh ở vùng đất thảm họa này.
Cầu nguyện cho họ, cầu nguyện cho một đất nước đáng yêu, đáng nhớ và huyền bí.
The end
Tác giả: Peter Pho